Lâm Đồng: Lộc An (Bảo Lâm) khởi điểm cho du lịch cộng đồng

Hiện nay, tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) đang thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu lễ hội văn hóa truyền thống, ẩm thực; cung ứng các dịch vụ du lịch... Chính quyền địa phương, người dân tích cực phổ biến thông tin giới thiệu, kết nối các tour, tuyến du lịch cộng đồng...
Những đoàn khách từ các tỉnh, thành trải nghiệm không gian truyền thống của đại ngàn Nam Tây Nguyên ở thôn B’Đơr

Thôn B’Đơr có diện tích tự nhiên trên 337 ha với 506 hộ, hơn 2.200 khẩu là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đời sống của người dân trong thôn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với 2 cây trồng chính là cà phê và chè, hiện nay người dân trong thôn cũng đã chuyển đổi sang trồng một số loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt… Đến nay, thôn B’Đơr có hơn 97% hộ gia đình có nhà xây kiên cố, trên 85% hộ đạt gia đình văn hoá, toàn thôn còn 3 hộ nghèo.

Trưởng thôn K’ Juyên cho biết: Ngoài việc ra sức phát triển kinh tế, người dân trong thôn B’Đơr với mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống của cha ông đã thành lập các đội cồng chiêng, múa truyền thống, bảo tồn nghề dệt vải truyền thống. Từ những giá trị truyền thống này, bà con đã bước đầu làm du lịch, khách tham quan từ các tỉnh, thành đã biết đến ngôi làng nhỏ bé này.Hiện nay, ông K’ Đếch là người còn lưu giữ bộ chiêng quý của người đồng bào địa phương, trong các dịp lễ hội, tiếng chiêng ngân vang giữa không gian của núi rừng, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà thờ. Hay như cụ bà Ka Brệu vẫn miệt mài lưu giữ truyền thống qua khung cửi để dệt thổ cẩm. Ngoài ra, những ngôi nhà gỗ với giàn hoa xác pháo cũng là điểm nhấn của buôn làng.

Một trong những thế mạnh nổi bật của xã Lộc An chính là giá trị văn hoá – ẩm thực, nơi những món ăn không chỉ đơn thuần là “đặc sản” mà còn là câu chuyện của đất và người. Nhà hàng Ngọc Kim và nhà hàng Tâm Châu là hai địa điểm tiêu biểu cho nét ẩm thực địa phương được nâng tầm, vừa giữ hồn truyền thống vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ. Tại đây, những món ăn dân dã như: gà đồi nướng, cơm lam, cá suối hấp lá rừng hay rau rừng chấm muối mè không chỉ làm hài lòng vị giác mà còn gợi mở ký ức, cảm xúc sâu sắc về vùng đất cao nguyên.

Đặc biệt, giá trị văn hoá truyền thống người bản địa chính là “viên ngọc quý” mà Lộc An đang sở hữu. Cộng đồng người K’Ho tại buôn làng B’Đơr chính là “bảo tàng sống” về văn hoá bản địa. Giao lưu cùng người dân nơi đây, du khách sẽ được trải nghiệm lối sống buôn làng, tìm hiểu phong tục tập quán truyền thống, thưởng thức rượu cần nồng nàn trong tiếng cồng chiêng rộn ràng. Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên sống động trong từng nhịp trống, cồng, chiêng, điệu múa, nếp sinh hoạt thường ngày của đồng bào.

Trưởng thôn K’ Juyên còn cho biết thêm rằng, anh trai của mình là một hướng dẫn viên du lịch hiện công tác ở TP Hồ Chí Minh. Vào các dịp lễ hội, anh đều dẫn khách đến tham quan buôn làng và mở cơ sở giới thiệu rượu cần, thổ cẩm của đồng bào tại thành phố. Là một người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Lộc An, TS Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch cho biết: Khác với những điểm đến đã trở nên quen thuộc như Đà Lạt hay Bảo Lộc…, Lộc An mang trong mình vẻ đẹp của sự nguyên sơ, bình yên nhưng không kém phần độc đáo. Nơi đây là sự giao thoa tuyệt vời giữa yếu tố tự nhiên và nhân văn, giữa cảnh sắc thơ mộng và chiều sâu văn hoá bản địa. Điều này khiến Lộc An đặc biệt phù hợp với định hướng phát triển du lịch trải nghiệm văn hoá, nông nghiệp bền vững, nơi du khách không chỉ ngắm nhìn mà còn có thể tương tác, tham gia và thấu hiểu.

Đáng chú ý, theo TS Dương Đức Minh, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch hiện đang xúc tiến xây dựng sản phẩm du lịch chuyên đề “Đại ngàn mãi trong tim ta”, một mô hình du lịch trải nghiệm sâu sắc, nhằm góp phần định vị và khai thác Lộc An như một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị du lịch Tây Nguyên. Đây không chỉ là một chương trình tour đơn thuần mà là chiến lược phát triển gắn với cộng đồng, trong đó doanh nghiệp và người dân cùng tham gia tạo dựng sản phẩm, đồng thời cùng hưởng lợi.

Việc đa dạng hóa loại hình trải nghiệm như: giao lưu văn hoá, lễ hội, ẩm thực, đến du lịch học đường, du lịch sáng tạo, du lịch chữa lành giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn mà còn tạo nên những dấu ấn khó quên, mang tính cá nhân hoá sâu sắc. Cùng với đó, sự tích cực của chính quyền địa phương, dấu ấn của những người con Lộc An đang làm việc trong ngành Du lịch là cơ hội, tiềm năng, lợi thế để du lịch cộng đồng ngày càng phát triển. 

Ông Đỗ Hoàng Ngọc Diệp – Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết: Lộc An có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, vấn đề là làm sao có thể khai thác và phát triển loại hình du lịch này một cách tương xứng. Đến nay, du khách trong và ngoài tỉnh đã biết đến Lộc An qua những giá trị văn hóa truyền thống, ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc. Ngoài tập trung phát triển nông nghiệp, kinh doanh, buôn bán thì du lịch cộng đồng cũng đang là lợi thế cho người dân phát triển, đặc biệt là các buôn làng đồng bào DTTS.

Đức Tú
Báo Lâm Đồng – baolamdong.vn – Đăng ngày 08/5/2025