Lai Châu phát triển mô hình dược liệu gắn với phát triển du lịch nông thôn

(TITC) – Lai Châu là tỉnh miền núi Tây Bắc với trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng. Với lợi thế rất lớn về hệ sinh thái rừng cùng nhiều loài dược liệu quý, Lai Châu đang đặt ra mục tiêu khai phá tiềm năng dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. 

Rừng của Lai Châu lớn, tính đa dạng sinh học cao, trong đó diện tích rừng giàu và rừng trung bình chiếm khoảng 13%, rừng có độ cao tuyệt đối từ 900 – 1.400m khoảng 29%, rừng có độ cao tuyệt đối từ 1.400m đến trên 3.100m khoảng 32%, phù hợp cho phát triển nhiều loài cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. 

Ngoài ra, loại đất chủ yếu dưới các cánh rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu là nhóm đất đỏ vàng, phù hợp để phát triển các loài cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao như sâm Lai Châu, cây thuốc bảy lá một hoa, lan kim tuyến, địa lan, chè cổ thụ Shan Tuyết…

Định hướng phát triển vùng trồng dược liệu quốc gia

Ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1976 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, theo đó dược liệu được phát triển trên cả 8 vùng sinh thái để trồng 54 loài cây dược liệu trên diện tích 28.000ha, từ đó cung ứng khoảng 110.000 tấn dược liệu các loại, đồng thời lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên, từ đó cung ứng đủ nguồn dược liệu cho công nghiệp dược, y học cổ truyền, các lĩnh vực khác và xuất khẩu. 

Gần đây nhất, ngày 01/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611 về việc phê duyệt Chương trình “Phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Đây sẽ là cơ hội không chỉ cho việc phát triển sâm mang thương hiệu Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển các loài cây dược liệu khác dưới tán rừng ở Lai Châu.

Theo thống kê của các nhà khoa học cho thấy riêng các loài thực vật bậc cao có mạch đã phát hiện trong các hệ sinh thái rừng ở Việt Nam có tới hơn 5.117 loài và dưới loài được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trong đó, hầu hết loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đều phân bố trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên như: Sâm Lai Châu, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ, lan kim tuyến…

 

Hầu hết các loài thảo dược quý, có giá trị đều sống dưới tán rừng, nhất là dưới tán rừng nguyên sinh. Hiện nay cả nước có hơn 10,1 triệu ha rừng tự nhiên. Đây là lợi thế, tiềm năng rất lớn, có tính khả thi để phát triển các loại dược liệu dưới tán rừng. 

Mục tiêu phát triển 10 nghìn ha sâm và nhiều dược liệu quý tại Lai Châu

Với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu, Lai Châu đã tích cực thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển kinh tế dưới tán rừng. Ngày 11/12/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu đã thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Đề án xác định tập trung phát triển trồng cây được liệu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển trồng mới 3ha sâm Lai Châu, 5ha bảy lá một hoa, 2ha lan kim tuyến và 250ha các loài dược liệu khác như hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, đương quy, xuyên khung, actiso… 

Mục tiêu đến năm 2030 của đề án là phát triển 6ha sâm Lai Châu, 10ha bảy lá một hoa, 4ha lan kim tuyến và trên 600ha các loài dược liệu khác như hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, đương quy, xuyên khung, actiso…

Riêng đối với cây sâm Lai Châu, tỉnh xác định đây là loài cây đặc hữu, có tiềm năng, thế mạnh lớn trong phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát và xây dựng bản đồ vùng thích hợp trồng sâm Lai Châu của tỉnh, tham mưu UBND tỉnh đề xuất các nội dung tham gia của tỉnh Lai Châu vào Chương trình phát triển sâm Việt Nam và xây dựng kế hoạch phát triển sâm Lai Châu với quy mô phát triển đến năm 2030 là 3.000ha và đến năm 2045 phát triển mới thêm 7.000ha, đưa tổng diện tích sâm Lai Châu của tỉnh lên 10.000ha”.

Về định hướng thu hút đầu tư, Lai Châu đặt kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất cây giống dược liệu, khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng 7 cơ sở sản xuất cây giống dược liệu, trong đó 5 cơ sở có sản phẩm chính là cây giống sâm Lai Châu, 2 trung tâm sản xuất giống công nghệ cao.

Thu hút đầu tư xây dựng 1 cơ sở chế biến các sản phẩm dược liệu và 2 nhà máy chế biến sản phẩm sâm Lai Châu; phát triển hệ thống các cơ sở sơ chế, bảo quản sản phẩm dược liệu tại những vùng nguyên liệu tập trung.

Phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái gắn với vùng trồng dược liệu quý hiếm

Với đặc thù địa hình núi cao, đặc trưng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, Lai Châu được xác định thuộc 1 trong 6 trọng điểm du lịch vùng và quốc gia. Trọng điểm du lịch Lào Cai – Lai Châu gắn với cửa khẩu Lào Cai, Sa Pa, Phanxipan và Vườn quốc gia Hoàng Liên thuộc tuyến du lịch liên vùng “Qua miền Tây Bắc”. 

Về xu thế du lịch sau đại dịch Covid-19 là du lịch theo nhóm nhỏ, lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm nông nghiệp – dược liệu. Các hành trình trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ, thưởng thức văn hóa truyền thống, ẩm thực bản địa là ưu tiên của du khách… và Lai Châu là địa phương có đầy đủ tiềm năng, thế mạnh để đáp ứng những trải nghiệm của du khách theo xu hướng mới. 

Đến với Lai Châu, du khách có thể nghỉ dưỡng kết hợp với tắm lá thuốc, tắm khoáng nóng và tham quan, trải nghiệm, mua sắm thảo dược, khám phá văn hóa bản địa, chăm sóc sức khỏe bằng các bài thuốc dân gian đặc trưng, ăn các đồ ăn, thức uống từ thảo dược, từ đó phục hồi sức khỏe, giảm cân cũng như chữa bệnh (giảm stress, mỡ máu, huyết áp, tiểu đường…).

Tại Lai Châu, một số mô hình du lịch nông thôn đã được đưa vào khai thác, kết hợp cùng người dân địa phương để tạo ra những giá trị, trải nghiệm mới cho du khách. Theo đó, du khách có thể trải nghiệm một ngày cùng người Mông làm thảo quả; người Dao làm rong, chăm sóc vườn dược liệu quý; cùng người Thái làm lúa, sáng ra đồng, lên nương bữa trưa cơm nắm, nước suối khe, tối về ấm cúng với bữa ăn bên bếp lửa, thưởng thức tiếng hát, điệu khèn, điệu múa bản địa…

Với những du khách ưa loại hình du lịch mạo hiểm, có thể leo các đỉnh núi cao Lai Châu, thưởng trà cổ thụ theo cách riêng (trà đâm, trà vò), qua rừng trúc hái măng…

Lai Châu cũng quy hoạch và phát triển vùng trồng sâm để hướng tới phục vụ dòng khách du lịch có khả năng chi trả cao. Đến đây du khách sẽ được tham quan vườn sâm, tìm hiểu quá trình sinh trưởng, xem cách chăm sóc dược liệu quý và trực tiếp thu hái sâm để cùng người dân bản địa chế biến thành những món ăn bổ dưỡng như gà tần sâm, sâm ngâm mật ong, trà sâm…

Do đó, định hướng phát triển dược liệu gắn với du lịch chăm sóc sức khỏe và trải nghiệm nông nghiệp, thảo dược sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, mang lại giá trị trải nghiệm phong phú cho khách hàng, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch phát triển và bà con dân tộc thiểu số có công ăn việc làm, thu nhập ổn định thông qua chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.

Một số hình ảnh du lịch Lai Châu:

Trung tâm Thông tin du lịch