Nằm “gối đầu” trên đỉnh Chùng Sủa Dằng với độ cao 1.900m so với mực nước biển, Dào San được ví như Sa Pa thứ 2 của Việt Nam. Xã có 13 bản với 5 dân tộc cùng sinh sống như: Mông, Dao, Hà Nhì, Hoa. Đến đây, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa của các dân tộc thông qua phong tục tập quán, nếp sinh hoạt hằng ngày; trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như: đi chợ phiên, ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín, tham gia lễ hội truyền thống dịp lễ, tết.
Nhiều năm rồi, chợ phiên Dào San thu hút rất đông khách du lịch trong, ngoài tỉnh tới trải nghiệm, khám phá. Chợ họp ngày chủ nhật hằng tuần. Người dân trong xã và các xã lân cận thường đến chợ giao thương hàng hóa, nông sản địa phương và gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Nét bình dị, mộc mạc của người dân cùng văn hóa địa phương hội tụ trong phiên chợ khiến nhiều du khách quyến luyến chẳng nỡ rời chân.
Điều thu hút du khách đến với Dào San còn có “âm vang” của những lễ hội được lưu giữ trên mảnh đất này. Gầu Tào là lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc Mông được huyện phục dựng lại từ năm 2006 và duy trì tổ chức hằng năm. Hay như mỗi độ thu về, khi lúa bắt đầu chín, những thửa ruộng bậc thang lại “khoác” lên màu vàng rực rỡ, tạo khung cảnh nên thơ hữu tình, thu hút nhiều du khách gần xa tới chụp ảnh check-in.
Cán bộ xã Dào San tham quan, khảo sát khu du lịch của gia đình anh Vàng A Cu
Anh Vương Biên Thùy – Chủ tịch UBND xã cho biết: Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, thời gian qua, xã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển du lịch theo hướng: du lịch cộng đồng kết hợp trải nghiệm và tham quan, nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực. Chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể và các bản vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân cải tạo cảnh quan đường, ngõ bản xanh, sạch, đẹp; chú trọng phát triển nghề truyền thống; thành lập và duy trì đội văn nghệ bản.
Là người đầu tiên đầu tư phát triển du lịch ở xã, anh Vàng A Cu (bản Sểnh Sảng A) chia sẻ: Nhận thấy xã có lợi thế phát triển du lịch, năm 2018, tôi bán 13 con trâu mua lại một số diện tích đất sản xuất của các hộ xung quanh nhà, đầu tư trồng đào, thông, sơn tra, các loại hoa (sao nháy, tam giác mạch); làm chòi nghỉ dưỡng, ngắm cảnh. Tôi vừa dành thời gian đi học hỏi cách làm du lịch ở một số xã, huyện trên địa bàn tỉnh để có thêm kinh nghiệm. Hiện, khu du lịch của gia đình tôi có diện tích khoảng 4ha với 6 chòi nghỉ dưỡng, ngắm cảnh. Mở cửa đón khách từ tết năm 2019, giá vé vào tham quan là 15 nghìn đồng/vé. Trong năm 2023, điểm du lịch đón khoảng 600 lượt khách và từ các loại dịch vụ đi kèm, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ du lịch đạt trên 30 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư thêm phòng nghỉ để khách vừa ngắm cảnh, picnic dã ngoại và ngủ lại nếu có nhu cầu.
Đặc biệt, tháng 9/2023, Đoàn khảo sát xây dựng, công bố sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023 do bà Nguyễn Thị Minh Phương – Trưởng Phòng Công nghệ Thông tin Du lịch (Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh) làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát thực tế về sản phẩm du lịch “Hùng vỹ Tây Bắc” tại xã. Đoàn khảo sát thăm cánh đồng ruộng bậc thang Trung Chua có diện tích 30ha thuộc bản Dền Thàng B. Qua khảo sát, Đoàn đánh giá cao và khẳng định đây là tiềm năng rất lớn để địa phương phát triển du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá.
Với những kết quả bước đầu và nhiều dư địa phát triển là cơ sở để thời gian tới, xã Dào San xác định thêm giải pháp đột phá phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Trong đó, trọng tâm là khuyến khích các hộ dân đầu tư phát triển du lịch; chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên vay vốn ưu đãi từ việc tín chấp với các ngân hàng đảm bảo đầu tư quy mô, đáp ứng nhu cầu của du khách.
V.T
Báo Lai Châu – baolaichau.vn