Khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, nước, tài nguyên môi trường, huyện Mường Tè tuyên truyền và khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn xã, thị trấn tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm. Vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, hộ gia đình xây dựng sản phẩm đặc trưng bảo đảm các tiêu chí, cũng như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và có tính bền vững. Tăng cường truyền thông, quảng bá thương hiệu nhằm tăng giá trị, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Tập trung tuyên truyền sâu rộng về nội dung chương trình OCOP thông qua các hội nghị, hội thảo ở huyện, xã, bản, cuộc họp, hội nghị của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Qua đó, nâng cao nhận thức, giúp người dân nắm được cơ chế, chính sách của Nhà nước về việc phát triển sản phẩm OCOP; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm và cách làm hay, các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Đồng thời, tạo điều kiện cho chủ thể sản xuất tham gia các lớp tập huấn thực hiện chương trình OCOP do Trung ương, tỉnh, huyện triển khai để áp dụng vào thực tiễn.
Hiện, huyện có 12 sản phẩm OCOP đạt 3 sao gồm: mật ong Mường Tè, chè dây của HTX Bình An; ớt trung đoàn ngâm dấm, thảo quả Thu Lũm (HTX Thanh Nga); rượu Pusilung của hộ kinh doanh Đao Văn Hơn (khu phố 1, thị trấn Mường Tè); khoai sọ Mường Tè, cá trắm sấy, thịt lợn đen sấy, thịt trâu sấy, lạp sườn lợn đen của hộ kinh doanh Phìn Thị Chiển (khu phố 12, thị trấn Mường Tè); đẳng sâm sấy khô Mường Tè, trà đẳng sâm của HTX Thành Phát. Sau khi được công nhận, các sản phẩm này được tỉnh, huyện tạo điều kiện tham gia trưng bày và bán tại các hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh. Các chủ thể chủ động hoàn thiện, nâng hạng sao cho sản phẩm đã đạt OCOP; sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để thông tin, quảng bá sản phẩm. Tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP được phân phối nhiều tại hệ thống siêu thị, nhà hàng và cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm chè dây OCOP 3 sao được trưng bày, quảng bá tại Tuần Văn hóa, thể thao và du lịch huyện Mường Tè năm 2023
Chúng tôi có dịp trò chuyện với chị Phìn Thị Chiển – một trong những hộ kinh doanh đăng ký tham gia nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Hiện, gia đình chị có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao các cấp gồm: khoai sọ Mường Tè, cá trắm sấy, thịt lợn đen sấy, thịt trâu sấy, lạp sườn lợn đen. Đây là những sản phẩm được sản xuất thủ công, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình về vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi vậy được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Chị Chiển chia sẻ: “Huyện Mường Tè có thế mạnh về trồng trọt và chăn nuôi, tuy nhiên, bà con gặp khó khăn về tiêu thụ. Để giúp người dân có đầu ra ổn định, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương, tôi xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Năm 2023, tôi đăng ký xây dựng các sản phẩm: thịt lợn đen sấy, thịt trâu sấy, lạp sườn lợn đen và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện”.
Với mong muốn sản phẩm ớt trung đoàn của người dân xã Thu Lũm được nhiều người biết đến, năm 2017, HTX Thanh Nga thành lập và đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong quá trình xây dựng sản phẩm, các thành viên được cơ quan chuyên môn tư vấn phương án kinh doanh, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ đánh giá, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Do đó, đến năm 2017, sản phẩm ớt trung đoàn ngâm dấm đạt OCOP 3 sao. Ông Lê Văn Thanh – Giám đốc HTX Thanh Nga chia sẻ: “Sau khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm ớt trung đoàn tạo dựng được niềm tin đối với khách hàng trong và ngoài tỉnh từ chất lượng đến mẫu mã sản phẩm. Để giải quyết đầu ra cho người dân cũng như đưa ớt trung đoàn tới mọi miền Tổ quốc, từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, HTX thu gom ớt từ bà con các bản, trung bình mỗi tháng thu mua gần 5 tạ ớt, với giá đầu vụ và cuối vụ trên 200 nghìn đồng/kg, vụ chính khoảng 150 nghìn đồng/kg. Mỗi năm HTX thu mua được gần 2 tấn ớt, chủ yếu xuất bán cho các quán tạp hóa, quán ăn trong tỉnh và Hà Nội”.
Đồng chí Lùng Văn Sáng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Tè cho biết: “Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm OCOP là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, đơn vị sản xuất kinh doanh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung.
Huyện Mường Tè phấn đấu hết năm 2025 có từ 15 sản phẩm OCOP trở lên được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, qua đó từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông sản địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tem, nhãn mác sản phẩm, bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tổ chức phân hạng, đánh giá sản phẩm.
Gió Pư
Báo Lai Châu – baolaichau.vn