Nếu như ai đã một lần đến với chợ phiên San Thàng vào sáng thứ 5, chủ nhật hàng tuần hay chợ đêm San Thàng tối thứ bảy, chắc hẳn đều nghe âm thanh tách tách của những chiếc kéo cắt bánh phở; tiếng mời gọi mua bánh giầy, bánh bỏng, bánh khảo quen thuộc của các bà, các chị bán hàng. Đặc biệt là được thưởng thức bát phở nóng thơm lừng với vị thơm ngon của sợi phở tươi do chính tay người Giáy làm.
Mỗi lần xuống chợ phiên, chúng tôi đều gặp hình ảnh tươi cười, háo hức của các vị khách hàng đang chờ để mua các loại bánh. Để rồi lúc ra về, ai ai cũng có trên tay túi bánh lớn, bé khác nhau; nhất là các bạn nhỏ được cầm trên tay những chiếc bánh giầy, miếng bánh bỏng thưởng thức với khuôn mặt ngộ nghĩnh đáng yêu.
Chị Nguyễn Thị Hiên, du khách Hà Nội hồ hởi: Tôi có anh chị đang sinh sống tại thành phố Lai Châu. Vì thế, năm nào chúng tôi cũng lên đây chơi, đi chợ phiên để thưởng thức ẩm thực của đồng bào. Các con tôi rất thích ăn phở; còn tôi thích mua bánh bỏng, bánh khảo, bởi bánh rất ngon.
Ghé thăm chỗ bán hàng nhỏ xinh của chị Hoàng Thị Hính, người dân bản San Thàng khi vãn khách, chúng tôi được nghe chị kể về câu chuyện giữ nghề truyền thống làm các loại bánh của gia đình. Chị Hính tâm sự: Khi về nhà chồng, tôi được mẹ chồng dạy làm các loại bánh như: bánh bỏng, bánh khảo, bánh giầy, bánh dẻo, đến nay đã được 20 năm rồi. Trong đó, cầu kỳ nhất là bánh bỏng, qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian hơn. Từ gạo nếp nương đem ngâm qua một đêm, sau đó đồ thành xôi; rồi mang phơi cho đến khi khô. Những bát cơm nếp khô được rang vàng, phồng đẹp mắt, trộn với nước đường phên lúc còn nóng. Cuối cùng là đổ ra khuôn, ép thành bánh và cắt từng miếng, bọc túi bóng là được thành phẩm. Hiện nay, 1 tuần gia đình làm trên 20kg bánh bỏng, bánh khảo, 10kg bánh dẻo, bánh giầy bán tại chợ phiên, chợ đêm và cho khách hàng có nhu cầu làm quà. Bây giờ vợ chồng tôi đang truyền nghề lại cho con trai để giữ nghề truyền thống.
Nghề tráng bánh phở được bà con dân tộc Giáy bản San Thàng (xã San Thàng) duy trì và phát triển
Được biết, dân tộc Giáy chiếm 14% số dân trên địa bàn thành phố Lai Châu với hơn 1.000 hộ dân sinh sống tập trung ở xã San Thàng và phường Quyết Tiến. Tuy dân số ít, thế nhưng đây là một trong những dân tộc tiêu biểu của thành phố lưu giữ và phát triển được những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp. Trong đó phải kể đến là: trang phục, lễ hội đặc sắc (Tú Tỉ, Háu Đoong), nghề thủ công truyền thống.
Hiện tại, việc sản xuất các loại bánh truyền thống của người Giáy ở xã San Thàng đã được công nhận là nghề thủ công truyền thống, riêng bản San Thàng được công nhận là làng nghề. Ngoài ra, nghề may trang phục truyền thống dân tộc Giáy cũng được bà con tích cực gìn giữ và phát triển để phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Chị Hoàng Thị Thanh – Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết: Phát triển làng nghề và nghề thủ công truyền thống của các dân tộc luôn được thành phố quan tâm chú trọng thực hiện gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn. Đối với người Giáy, trong năm 2023, thành phố tổ chức 1 lớp truyền dạy ẩm thực truyền thống dân tộc Giáy tại bản San Thàng; 1 lớp truyền dạy kỹ thuật tạo hình trang phục dân tộc Giáy cho nhân dân xã San Thàng và phường Quyết Thắng. Bên cạnh đó, thành phố quan tâm quảng bá, giới thiệu nghề làm bánh của dân tộc Giáy tại sự kiện: Tuần Văn hoá – Du lịch, Ngày hội Văn hoá thể thao các dân tộc, nhằm tạo điều kiện cho du khách được tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu nghề thủ công truyền thống của bà con bản San Thàng. Đồng thời, khuyến khích thành lập hợp tác xã sản xuất sản phẩm truyền thống, phát huy làng nghề truyền thống làm các loại bánh của dân tộc Giáy.
Được biết, làng nghề làm các loại bánh của dân tộc Giáy ở xã San Thàng ngày càng duy trì và mở rộng, hiện đã có 1 tổ hợp tác và 60 hộ thuộc bản San Thàng tham gia sản xuất các loại bánh. Từ nghề làm bánh, hàng năm giải quyết việc làm cho 120 lao động, doanh thu bình quân 7,2 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Các loại bánh truyền thống của người Giáy đã trở thành đặc sản phục vụ nhân dân và du khách khi đến với thành phố Lai Châu.
Chị Nùng Thị Nga phấn khởi: Tôi được mẹ truyền lại nghề tráng bánh phở cách đây hơn 30 năm. Hiện tại, mỗi ngày tôi tráng 50kg bánh phở để phục vụ gia đình bán quán phở và bán đổ cho các quán phở khác trong và ngoài tỉnh; ngày chợ phiên, chợ đêm, tôi tráng 1 tạ phở. Tuy vất vả, nhưng chúng tôi luôn yêu nghề. Nhờ nghề tráng bánh phở, gia đình tôi có thu nhập ổn định.
Từ tình yêu, trách nhiệm, tâm huyết gìn giữ và phát huy nghề thủ công truyền thống của người dân tộc Giáy góp phần thu hút hàng nghìn khách du lịch đến với thành phố Lai Châu. Đồng thời sẽ là động lực để các dân tộc khác trên địa bàn tiếp tục bảo tồn, phát triển nghề truyền thống và những nét văn hoá đặc sắc.
Ngân Khánh – Quốc Thái
Báo Lai Châu – baolaichau.vn