Kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình OCOP tại huyện Hà Quảng (Cao Bằng)

Tiếp tục chương trình kiểm tra, chiều 15/9, Đoàn công tác Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh làm việc với UBND Hà Quảng (Cao Bằng); kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2023 với các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện Hà Quảng.

Tham dự có lãnh đạo UBND huyện, các phòng, đơn vị chuyên môn và 5 chủ thể có sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao cấp tỉnh từ năm 2020 – 2022.

Đoàn công tác Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh làm việc với UBND huyện Hà Quảng

Theo báo của UBND huyện Hà Quảng từ năm 2020 – 2022, toàn huyện có 7 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 6 chủ thể đạt chứng nhận 3 sao cấp tỉnh gồm: Khẩu sli Nà Giàng, rượu ngô, lạc đỏ, lạp sườn lợn đen…

Nhìn chung các sản phẩm được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn về thương hiệu, nhãn hiệu, mã truy suất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì đáp ứng yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng; thuận tiện trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, tham gia vào các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đoàn công tác Văn phòng điều phối nông thôn mới kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh tại cơ sở rượu ngô Đinh Đông tại xóm Hòa Chung, xã Thanh Long (Hà Quảng)

Tuy nhiên, triển khai chương trình trên địa bàn huyện Hà Quảng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: một số chủ thể chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia chương trình OCOP; chưa có chiến lược phát triển sản phẩm, liên kết, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, bền vững…

Qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở: Rượu ngô Đinh Đông, xóm Hòa Chung, xã Thanh Long; lạc đỏ bản địa của Hợp tác xã Lam Giang tại tổ 2, thị trấn Thông Nông (Hà Quảng)…, thành viên đoàn công tác đề nghị các chủ thể sản xuất kinh doanh cần sớm rà soát, hoàn thiện thủ tục hồ sơ về môi trường, nhất là liên quan đến chất thải, đảm bảo sản phẩm sạch; thiếu giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm; một số sản phẩm còn thiếu ngày sản xuất, nhãn hiệu đăng ký, mã số, mã vạch; truy suất nguồn gốc; kê cùng một mã số, mã vạch 2 sản phẩm; thông tin sản phẩm, tên sản phẩm chưa đúng với đăng ký, nhãn hàng hóa; thiếu tên biển hiệu…

UBND huyện, các chủ thể ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của đoàn công tác. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực, phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường…

Kết luận tại buổi kiểm tra, đoàn công tác đề nghị UBND huyện Hà Quảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về Chương trình OCOP cho cán bộ quản lý cấp huyện, xã; chú trọng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể về việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, giá trị và thương hiệu của sản phẩm OCOP; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP; quảng bá kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng thương hiệu sản phẩm OCOP tại địa phương…

P.O

Báo Cao Bằng – baocaobang.vn