Khởi sắc du lịch Thiềng Liềng (Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh)

Cuối năm 2022, huyện Cần Giờ phối hợp Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh công bố mô hình “Du lịch cộng đồng” tại ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An với sự tham gia của 16 hộ gia đình. Từ bước đầu bỡ ngỡ, đến nay, việc làm du lịch, dịch vụ tại ấp Thiềng Liềng đã triển khai hiệu quả, được du khách đánh giá cao.
“Hộ Hai Loan – Món bánh dân gian” bận rộn đón tiếp khách du lịch đổ về Thiềng Liềng.

Đến thời điểm hiện tại, du lịch cộng đồng giúp Thiềng Liềng thu hút hơn 2.000 lượt khách chỉ sau vài tháng, mang về doanh thu hơn 400 triệu đồng.

Cách trung tâm xã Thạnh An khoảng 7 km, Thiềng Liềng là ấp đảo xa nhất Thành phố Hồ Chí Minh với giao thông đi lại bằng đường thủy. Từ trước đến nay, người dân tại đây mưu sinh chủ yếu bằng nghề làm muối, đánh bắt và nuôi hải sản, kinh doanh nhỏ lẻ, giá trị kinh tế đạt được không cao.

Năm 2020, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch phối hợp với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nghiên cứu và tìm hiểu hệ sinh thái tự nhiên, sinh kế và đời sống tinh thần của cư dân Cần Giờ, nghiên cứu nội dung phát triển điểm đến du lịch Thiềng Liềng gắn với hệ giá trị sinh thái tự nhiên và văn hóa của địa phương. Gần ba năm sau, một cộng đồng du lịch tại ấp đảo hình thành với các sản phẩm, dịch vụ mộc mạc từ chính địa phương, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Nét độc đáo trong cách làm du lịch của người dân Thiềng Liềng là các hộ phối hợp với nhau, mỗi nhà một sản phẩm, tạo thành mô hình “du lịch hội tụ”, giúp khách trải nghiệm được hầu hết đặc sản vùng miền, từ hoạt động trải nghiệm đến ẩm thực, cư trú.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ du lịch thương mại Thiềng Liềng cho biết: Ban đầu, nhiều hộ còn ngại ngùng hoặc chưa biết cách làm dịch vụ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, nhờ được tập huấn kỹ càng và hỗ trợ lẫn nhau, 16 hộ dần quen với du lịch, phát triển thêm nhiều hoạt động thú vị.

Mỗi tháng, các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng tại ấp đảo ngồi lại cùng nhau, thẳng thắn bàn về những mặt làm được và còn hạn chế, góp ý để cùng nhau phát triển mô hình. Là người đồng hành cùng 16 hộ dân từ những ngày đầu, bà Tuyết cảm nhận rõ sự đổi thay mà du lịch cộng đồng mang lại cho ấp đảo Thiềng Liềng.

Bà Tuyết phấn khởi cho hay, ngày trước, ấp đảo ít khi đón khách lạ vì giao thông cách trở, từ khi du lịch phát triển, các đơn vị tập trung khai thác, khách du lịch đến Thiềng Liềng nhiều hơn, bà con vui hơn. Làm du lịch, bà con ấp đảo sửa soạn nhà cửa đẹp hơn, nấu thêm nhiều món, mở thêm dịch vụ, nhà này nương nhà kia, tạo nên tính đa dạng sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức của du khách.

Món ăn, thức uống gắn liền với đặc sản địa phương, do chính người dân làm khiến du khách tò mò, thích thú mỗi lần ghé thăm. “Sau nhiều tháng hoạt động, các hộ đã quen với làm du lịch, truyền tai nhau cách làm sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm vận hành. Không chỉ 16 hộ mà việc làm du lịch đã lan rộng ra nhiều gia đình vì các dịch vụ cần tính liên kết, hỗ trợ lẫn nhau.

Điều chúng tôi mong đợi nhất là việc đi lại sẽ tiếp tục được cải thiện để du khách không ngại đường đi khó khăn khi tới đây trải nghiệm sự khác biệt. Nếu việc đi lại dễ dàng, thuận tiện, tôi tin du lịch Thiềng Liềng sẽ khởi sắc hơn nữa”, bà Tuyết cho biết thêm.

Ban đầu chỉ làm du lịch tại Thiềng Liềng với không gian trưng bày mang đậm tính hoài niệm, đến nay, hộ kinh doanh của gia đình anh Nguyễn Anh Quân đã phát triển mạnh các mô hình lưu trú độc đáo, từ dịch vụ phòng phổ thông đến nghỉ dưỡng nhà sàn, cắm trại với lều… phục vụ đa dạng nhu cầu của du khách.

Anh Quân tận dụng thế mạnh của Thiềng Liềng trong việc khai thác, bổ sung các loại hình dịch vụ. Làm sao để mang tính đặc trưng vùng miền, tạo việc làm cho người dân địa phương và khiến du khách thấy hoàn toàn khác biệt khi đến vui chơi, tận hưởng toàn bộ dịch vụ nơi đây. Việc lưu trú, ăn uống, trải nghiệm dịch vụ được 16 hộ dân chia nhau tổ chức theo hướng tiện lợi, tiết kiệm nhất cho du khách nhưng vẫn giữ nét riêng.

Ông Nguyễn Văn Yến, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thiềng Liềng cho biết: Mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương phát triển được như ngày hôm nay là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ các bên liên quan và những nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân. Ban đầu, khi đưa du lịch về ấp đảo, bà con e ngại, sợ không biết làm dịch vụ sao cho thu hút khách.

Thế nhưng, sau các khóa đào tạo và đi học tập kinh nghiệm, hộ này giúp hộ kia, cuối cùng cộng đồng du lịch tại Thiềng Liềng đã đi vào ổn định, xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo. Gia đình ông Yến cũng chung tay phát triển du lịch địa phương với mô hình kinh doanh đậm chất miệt vườn: “Hộ Hai Loan-Món bánh dân gian”.

“Những ngày đầu đón khách đến gia đình, thật lòng mà nói tôi sợ lắm. Từ trước đến nay ít tiếp xúc với người lạ, không biết phải nói gì. Nhưng cứ làm thành quen, giờ mọi thứ trôi chảy, cả nhà đều vui. Khách khen bánh ngon, muốn ăn thêm là tôi vui lắm. Có mô hình này, bà con thêm việc, các hộ thêm gắn kết”, bà Nguyễn Thị Kim Loan, vợ ông Yến vui vẻ cho hay.

Kết thúc giai đoạn một với những kết quả khả quan, mô hình “Du lịch cộng đồng” tại ấp Thiềng Liềng đang chuyển sang giai đoạn hai bằng việc mở rộng các hoạt động, tăng tính trải nghiệm, vui chơi cho du khách. Trong đó, khai thác du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương là yếu tố đang được quan tâm để tạo tính bền vững, gắn kết ■

Bài và ảnh: Gia Mỹ
Báo Nhân dân – nhandan.vn