Huyện Mê Linh (Hà Nội) định hướng khai thác du lịch văn hóa lịch sử kết hợp với du lịch nông nghiệp, sinh thái

(TITC) – Ngày 29/8/2023, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức chương trình khảo sát các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện và hội nghị nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm du lịch huyện Mê Linh với các doanh nghiệp lữ hành.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu tại hội nghị

Nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa lịch sử kết hợp du lịch nông nghiệp, sinh thái

Mê Linh là một huyện có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng, có phong tục tập quán phong phú và lâu đời. Cụ thể, Mê Linh có 161 di tích lịch sử, trong đó có Di tích Quốc gia đặc biệt – Đền thờ Hai Bà Trưng, 25 di tích cấp Quốc gia và 48 di tích cấp tỉnh, thành phố; hơn 200 lễ hội truyền thống đặc sắc như lễ hội Hai Bà Trưng, lễ hội xuống đồng, lễ hội hoa… Mê Linh còn sở hữu một số điểm đến có tiềm năng khác như: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh 79 Mùa Xuân, Làng nghề trồng hoa cây cảnh thôn Hạ Lôi, khu nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao kết hợp với dịch vụ giáo dục ngoại khóa Erahouse…

Nằm ở phía Bắc của Thủ đô, Mê Linh có diện tích 142,46km2, với nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ và du lịch dịch vụ. Mê Linh hiện có hơn 8.100ha đất nông nghiệp, trong đó có gần 1.000 ha đất trồng hoa truyền thống và ngoại nhập, cung cấp khoảng 20% tổng lượng hoa tiêu thụ hàng năm cho Thủ đô.

Toàn cảnh hội nghị

Với hàng trăm nhà vườn chuyên trồng hoa thế, bonsai; nhiều làng nghề nay đã khẳng định được vị thế như Làng hoa hồng thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh), Làng hoa cúc thôn Đại Bái (xã Đại Thịnh), Vùng trồng hoa – cây cảnh thôn Văn Quán (xã Văn Khê), Vùng trồng rau tại xã Tráng Việt… Ngoài ra, Mê Linh còn có nhiều làng nghề nổi tiếng khác như làng nghề làm kẹo lạc, mỳ bún ở thôn Yên Thị; làng nghề bánh đa nem ở Trung Hà xã Tiến Thịnh…. Với những tiềm năng đó, huyện Mê Linh có đầy đủ các điều kiện thuận lợi trong việc phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái. Tuy nhiên đến nay những tiềm năng này chưa được khai thác một cách hiệu quả để thúc đẩy phát triển du lịch.

Tại hội nghị các đơn vị lữ hành, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng đóng góp nhiều ý kiến để hiến kế cho huyện Mê Linh phát triển du lịch. Hầu hết ý kiến cho rằng, Mê Linh có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch, tuy nhiên các điểm đến chưa thực sự hấp dẫn; hệ thống giao thông liên kết giữa các điểm du lịch còn hạn chế, làng nghề thiếu hoạt động trải nghiệm dành cho du khách; chưa có hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao và các nhà hàng phục vụ ẩm thực chuyên nghiệp; công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch chưa đem lại hiệu quả…. Một số nguyên nhân chính là do huyện Mê Linh chưa có quy hoạch chuyên đề về phát triển du lịch, thiếu sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu, sơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế và chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược trong phát triển du lịch…

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cảm ơn lãnh đạo Sở Du lịch và các chuyên gia, hãng lữ hành đã có những đóng góp quý báu cho địa phương trong phát triển du lịch. Đồng thời ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định, trong thời gian tới huyện Mê Linh sẽ tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch; đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng bền vững lấy du lịch văn hóa lịch sử kết hợp với sản phẩm du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch sinh thái làm các sản phẩm chủ đạo.

Hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân lực và kết nối lữ hành

Để nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp du lịch Mê Linh phát triển hiệu quả hơn, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp với UBND huyện xây dựng sản phẩm du lịch mới có thể triển khai ngay; kết nối các doanh nghiệp lữ hành để đưa khách đến với Mê Linh nhiều hơn.

Đồng thời, Sở Du lịch sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng sản phẩm của các cơ sở kinh doanh lưu trú, ăn uống, mua sắm trên địa bàn. Xây dựng, triển khai kế hoạch thí điểm lắp đặt một số biển chỉ dẫn du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai một số loại hình du lịch mới như: du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch đường sông, du lịch thể thao nước, du lịch văn hóa kết hợp trải nghiệm…

Các đại biểu tham dự hội nghị

Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch; bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho cộng đồng dân cư tại các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ mới như công nghệ ảnh 360o, công nghệ 3D trong số hóa các điểm đến di tích-di sản, văn hóa trên địa bàn huyện, số hóa sản phẩm để tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Mê Linh đến khách du lịch trong nước và quốc tế.

Cùng ngày, các doanh nghiệp lữ hành và nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã đi khảo sát một số điểm du lịch ở huyện Mê Linh như: Đền thờ Hai Bà Trưng; điểm giới thiệu nghề trồng hoa hồng; đồi 79 Mùa Xuân; làng nghề làm bánh đa nem…

Một số hình ảnh của đoàn khảo sát tại huyện Mê Linh:

Đoàn khảo sát dâng hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng

Di tích Quốc gia đặc biệt – Đền thờ Hai Bà Trưng

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Hai Bà Trưng

Đoàn khảo sát làng nghề hoa hồng xã Mê Linh

Đoàn khảo sát làng nghề hoa hồng xã Mê Linh

Đoàn khảo sát làng nghề hoa hồng xã Mê Linh

Đoàn tham quan di tích đồi 79 Mùa Xuân

Đoàn khảo sát làng nghề làm bánh đa nem thôn Trung Hà, xã Tiến Thịnh

Trung tâm Thông tin du lịch