HTX nông nghiệp hạt giống Đất Tổ, thị trấn Lâm Thao xây dựng thành công sản phẩm hành xanh Lâm Thao đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng thế mạnh của địa phương. Huyện thực hiện quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn mác, bao bì và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ.
Đồng chí Bùi Văn Hào – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để tạo điều kiện cho các chủ thể tích cực tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, huyện đã huy động các nguồn lực, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Trung ương và của tỉnh để triển khai, thực hiện Chương trình hiệu quả. Trong giai đoạn 2021- 2023, huyện đã huy động và hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình OCOP gần 1 tỷ đồng, tập trung vào công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia Chương trình; hỗ trợ nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP…
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển sản phẩm OCOP được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, các chủ thể luôn ý thức việc đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn, chất lượng đã đăng ký, góp phần nâng cao giá trị kinh tế. Từ việc được “gắn sao”, nhiều sản phẩm trước đây chỉ tiêu thụ tại địa phương nay đã có mặt ở các hệ thống siêu thị và sàn thương mại điện tử, điều này mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất vừa góp phần tiêu thụ sản phẩm, vừa giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân.
Đến nay, huyện Lâm Thao đã có 22 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, tăng 4 sản phẩm so với kế hoạch của tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 20 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đã có 10/12 xã, thị trấn có sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tăng 3 xã so với kế hoạch của tỉnh. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đều là những nông sản đặc trưng của huyện như: Nho Hạ đen, mùng tơi Tứ Xã, ổi lê Vĩnh Lại, chuối tây Xuân Huy, hành xanh Lâm Thao…
Huyện tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, đặc trưng, có triển vọng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ổn định, có thị trường để giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, bảo tồn, phát huy các giá trị sản phẩm truyền thống. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có thêm ít nhất 12 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện lên 34 sản phẩm, của 16 chủ thể có đăng ký kinh doanh tham gia.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau công nhận OCOP để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần giữ gìn, nâng cao uy tín cũng như xây dựng thương hiệu của sản phẩm OCOP đặc trưng. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, chuyển đổi số trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm. Đồng thời, hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, đăng ký bổ sung các sản phẩm lợi thế, đặc trưng của địa phương vào danh mục thẩm định, công nhận hàng năm và giai đoạn.
Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ các cấp, đại diện các chủ thể sản xuất, đặc biệt là những kỹ năng về quản trị doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, quảng bá tiếp thị và bán hàng trực tuyến… góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường.
Hà Nhung
Báo Phú Thọ – baophutho.vn