Du lịch trải nghiệm đang được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại huyện Lâm Hà phát triển
Được đầu tư bài bản và đi vào hoạt động đã lâu, Làng sinh thái Lavela sở hữu 130 m2 trong tổng số diện tích mực nước của hồ Phúc Thọ với 70 ha. Hiện, Làng sinh thái Lavela có quy mô phòng ốc gồm 10 phòng và đang đầu tư kinh doanh cà phê, kết hợp với lưu trú và phục vụ các tiệc ăn uống ngoài trời. Các phòng được thiết kế độc lập, trang thiết bị nội thất cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách…
Trao đổi với chúng tôi, bà Chế Phương Nam – Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Lâm Hà cho biết: Trong những năm qua, du lịch trên địa bàn huyện có những bước phát triển vượt bậc, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mở rộng mạng lưới các cơ sở du lịch. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư nâng cấp và chất lượng phục vụ ngày càng cao, đa dạng hơn. Đó chính là cơ sở để khai thác du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch canh nông và tìm hiểu văn hóa các vùng, miền nhằm thu hút du khách đến đây.
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết và Đề án phát triển du lịch huyện Lâm Hà đến năm 2025, định hướng năm 2030 khai thác và phát huy hiệu quả các sản phẩm du lịch trên địa bàn, huyện Lâm Hà đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch có mức tăng trưởng nhanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Huyện Lâm Hà hiện có 31 cơ sở lưu trú du lịch với 360 phòng; 1 Khu du lịch Thác Voi và 2 điểm du lịch canh nông; 1 điểm du lịch đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định, cấp phép; 6 điểm tham quan; 1 điểm dịch vụ du lịch thể thao trải nghiệm ngắm cảnh thiên nhiên; 1 công ty lữ hành…
Tổng số lao động phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch huyện Lâm Hà đến ngày 3/9/2023 là 202 người; trong đó lao động trực tiếp 180 người, lao động gián tiếp 42 người, lao động qua đào tạo 106 người, đạt tỷ lệ 52%, chủ yếu là qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn, dạy nghề.
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Lâm Hà, giai đoạn 2017 – 2019, tổng lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại Lâm Hà vào khoảng trên 10.000 – 15.000 lượt khách/năm; doanh nghiệp tư nhân sản xuất tơ lụa và dịch vụ du lịch Cường Hoàn (thị trấn Nam Ban), hàng năm đón khoảng 10.000 đến 12.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan; du lịch thể thao mạo hiểm (chèo thuyền vượt ghềnh thác trên sông Đạ Đờn, thu hút khoảng 1.000 lượt khách quốc tế/năm) đã góp phần thu hút khách đến Lâm Hà. Đến nay, các cơ sở lưu trú du lịch và các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện có xu hướng tăng cao qua các năm.
Đơn cử trong năm 2023, huyện Lâm Hà đón tiếp trên 82.626 lượt du khách, trong đó trên 5.550 lượt khách qua lưu trú; 1.593 lượt khách quốc tế (đạt 136% kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 96/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của Hội đồng nhân dân huyện).
Để đầu tư phát triển và quảng bá các dịch vụ du lịch của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh, thời gian qua, huyện Lâm Hà đã tích cực phối hợp với các cơ quan Báo Lâm Đồng, hệ thống Phát thanh – Truyền hình trong và ngoài tỉnh để giới thiệu về lịch sử hình thành, con người, thành quả kinh tế – xã hội huyện Lâm Hà, Vùng kinh tế mới Hà Nội, Khu du lịch Thác Voi và một số lễ hội truyền thống của huyện. Tính đến nay, địa phương đã tổ chức 4 hội nghị triển lãm quảng bá thành tựu, sản phẩm kinh tế của huyện tại các ngày lễ, ngày kỷ niệm của huyện. Qua đó đã có trên 300 tin, bài giới thiệu các hoạt động du lịch trên hệ thống truyền thanh – truyền hình huyện, trang thông tin điện tử của huyện về hoạt động du lịch.
Tuy nhiên, trong mục tiêu đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, theo đánh giá của Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Lâm Hà, qua các năm việc thu hút đầu tư và đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn, các điểm du lịch chủ yếu mang tính tự phát, chưa có kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch cụ thể, thiếu sự liên kết và đồng bộ, sản phẩm du lịch còn đơn điệu.
Bên cạnh đó, du lịch địa phương chưa có nhiều sản phẩm hỗ trợ du lịch khác như các khu vui chơi giải trí, dịch vụ, chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch, nên thời gian lưu trú của du khách còn ngắn. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch để quản lý, vận hành, thông tin, quảng bá, giới thiệu… chưa được triển khai đồng bộ.
Bà Chế Phương Nam khẳng định: Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, vì vậy trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã định hướng, có chủ trương đúng đắn để phát triển du lịch. Các loại hình du lịch trên địa bàn như du lịch tham quan, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng… đã và đang được khai thác phục vụ du lịch hiệu quả.
Ngoài ra, mạng lưới các cơ sở du lịch được mở rộng; cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư nâng cấp, sản phẩm du lịch ngày một đa dạng, chất lượng phục vụ ngày càng cao. Môi trường du lịch được cải thiện, công tác quản lý nhà nước được tăng cường. Các loại hình dịch vụ bổ trợ có bước phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu dịch vụ, thông tin, trải nghiệm của du khách. Qua đó, phấn đấu năm 2024, du lịch địa phương thu hút 90.000 lượt khách du lịch; trong đó khách đăng ký lưu trú trên 6.300 lượt khách; quy hoạch cụm, các khu, điểm du lịch nhằm thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Thân Thu Hiền
Báo Lâm Đồng – baolamdong.vn