Làng Kon Chênh là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào DTTS Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm). Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, người dân hồn hậu, chất phác, cộng đồng làng còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện trong các lễ hội, lễ thức dân gian đặc sắc như mừng lúa mới, cúng giọt nước, lễ gieo mạ; hoạt động biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca được trao truyền qua nhiều thế hệ.
Hiện tại, làng Kon Chênh có 3 hộ kinh doanh dịch vụ homestay; gần 10 hộ đang tích cực chỉnh trang nhà ở để đưa vào khai thác trong thời gian đến.
Lối vào homestay Hiêm A Nấc ở làng Kon Chênh. Ảnh: T.L
Anh A Nấc ở làng Kon Chênh cho biết, trước đây gia đình chỉ quen với việc trồng lúa, mì và cà phê xứ lạnh. Năm 2023, được chính quyền địa phương định hướng, anh A Nấc quyết định đầu tư xây dựng homestay để kinh doanh du lịch. Với tinh thần cần cù, chịu khó, vui vẻ, nhiệt tình, sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp của du khách, anh A Nấc từng bước tích lũy kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Vào các dịp lễ và cuối tuần, lượng du khách đến khá đông đã tạo thêm nguồn thu nhập rất đáng kể cho gia đình anh.
Anh A Nấc cho biết: Hiện nay, homestay “Hiêm A Nấc” của gia đình tôi có sức chứa tối đa khoảng 30 khách du lịch. Sau hơn 1 năm triển khai kinh doanh, lượng du khách đến với homestay luôn ổn định vào các dịp lễ, ngày cuối tuần. Du khách được đáp ứng các dịch vụ theo yêu cầu, như thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Xơ Đăng, tham gia hoạt động đốt lửa trại kết hợp biểu diễn cồng chiêng-xoang; trải nghiệm cuộc sống thường ngày, quá trình lao động, sản xuất của bà con tại thôn.
Gia đình chị Y Tuấn ở làng Kon Chênh phát triển dịch vụ homestay vào đầu năm 2024. Đến nay, gia đình chị có 6 phòng để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của du khách, trong đó có 2 phòng tập thể có sức chứa khoảng 30 người. Để hướng tới sự hài lòng của du khách, gia đình chị Y Tuấn đầu tư thêm các nhà vệ sinh, hệ thống nước nóng, lạnh; có vườn hoa, khu vực ăn uống, săn mây.
Du khách thích thú khi đến tham quan, khám phá, trải nghiệm tại làng Kon Chênh. Ảnh: TL
Chị Y Tuấn vui vẻ chia sẻ: Homestay của gia đình tôi hiện có lượng du khách khá ổn định, chủ yếu đến từ các tỉnh, thành phố như Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Khi du khách có nhu cầu, gia đình sẵn sàng phục vụ các món ăn truyền thống của người Xơ Đăng như gà nướng, cơm lam, heo địa phương, cá suối, các loại rau rừng, rượu cần.
Trên cơ sở định hướng của huyện Kon Plông nói chung và xã Măng Cành nói riêng về phát triển du lịch, đa số các hộ dân tại làng Kon Chênh đều nâng cao nhận thức, tích cực giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan hài hòa, sạch đẹp, gần gũi với tự nhiên; chung tay chăm sóc cây xanh, cây hoa mai anh đào để tạo điểm nhấn cho làng trong mỗi dịp lễ hội.
Ông Nguyễn Văn Tuấn- Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết: Hướng đến mục tiêu xây dựng làng Kon Chênh trở thành làng du lịch cộng đồng, UBND xã đang tích cực vận động người dân tại đây hiến đất để làm đường giao thông nội thôn; bảo vệ rừng bền vững, cải tạo quang cảnh, môi trường xanh-sạch-đẹp. Đồng thời, tuyên truyền vận động để người dân mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư làm homestay, kinh doanh các dịch vụ du lịch; vận động các hộ trồng và chăm sóc cây hoa trong vườn nhà; khuyến khích mỗi gia đình trang trí trụ cổng, hàng rào trước nhà, làm nhà ở truyền thống; giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân.
Tấn Lộc
Báo Kon Tum – baokontum.com.vn