Khai thác tiềm năng của địa phương
Chương trình OCOP là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, ra đời nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt khu vực nông thôn. Trọng tâm chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Chương trình OCOP giúp phát triển sản phẩm chủ lực của từng địa phương.
Xác định được mục tiêu trọng tâm của chương trình OCOP, đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Đức Trọng, đã và đang triển khai vùng nguyên liệu tập trung, hướng tới sản xuất theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP; đồng thời, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Các cấp, ngành hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP từ cá nhân, gia đình, tổ hợp tác sang thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã; tổ chức, tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; đăng ký nhãn hiệu, xây dựng phương án kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn.
Tính đến nay, huyện Đức Trọng có 35 sản phẩm OCOP, trong đó 13 sản phẩm đạt 4 sao, 22 sản phẩm đạt 3 sao.
Ông Nguyễn Duy Quang – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự nhiên (đóng chân trên địa bàn xã Phú Hội) cho biết: “Những sản phẩm được công nhận OCOP của công ty gồm mít sấy, chuối sấy và bánh quy khoai lang mật sấy đều được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tại địa phương và cũng đã được sản xuất từ rất lâu rồi; đến khi biết tới Chương trình OCOP, được sự hỗ trợ của các phòng, ban, cơ quan nhà nước, công ty đã hoàn thiện các sản phẩm từ thiết kế bao bì, giấy tờ… và các sản phẩm trên đều được công nhận OCOP 3 sao”.
Ông Lê Quốc Thái – Giám đốc Công ty TNHH Mật ong Thái Dương (thị trấn Liên Nghĩa) cũng cho biết: “Tham gia và được công nhận đạt chứng nhận OCOP từ năm 2020 với 3 dòng sản phẩm: Phấn hoa CANAAN, mật ong CANAAN và sữa ong chúa CANAAN, chúng tôi đã được rất nhiều sự quan tâm và hỗ trợ của Nhà nước. Năm 2024, công ty sẽ tiếp tục thi nâng hạng các sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, và tiếp tục tham gia thi các dòng sản phẩm khác của công ty”.
Tính đến nay, huyện Đức Trọng có 35 sản phẩm OCOP, trong đó 13 sản phẩm đạt 4 sao, 22 sản phẩm đạt 3 sao.
Tạo niềm tin với người tiêu dùng
Có thể thấy, các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đều ít nhiều khẳng định được chất lượng trên thị trường; gắn với các giá trị truyền thống, đặc trưng của vùng, miền. Việc đăng ký tham gia Chương trình OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm cả về quy trình sản xuất, chất lượng, bao bì, nhãn mác, kênh phân phối,… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và giúp quảng bá sản phẩm tốt hơn. Ông Nguyễn Duy Quang nói thêm: “Khi được chứng nhận OCOP, khách hàng đã tin dùng các sản phẩm của công ty hơn. Từ đó, chúng tôi cũng ý thức được rằng, phải hoàn thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh thị trường tiêu thụ lên phân khúc cao hơn nữa. Trong năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng 2 sản phẩm khoai lang mật sấy dẻo và khoai lang nguyên củ hấp – đều là những sản phẩm đặc trưng của địa phương, đạt chất lượng OCOP; đồng thời, nâng hạng các sản phẩm OCOP đã đạt chứng nhận 3 sao trong năm nay”.
Được thành lập từ năm 2016, đến nay, các sản phẩm của Công ty TNHH Cordyceps (thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh) được nhiều người biết đến và ưa chuộng, với gần 500 điểm bán và hơn 20 cửa hàng nhượng quyền. Ông Võ Phan Đình Bảo – Phó Giám đốc Công ty, cho biết: “Công ty của chúng tôi hiện có khoảng 13 dòng sản phẩm, trong đó, sản phẩm cao đông trùng hạ thảo hòa tan đã được cấp giấy chứng nhận OCOP. Khi được cấp giấy chứng nhận OCOP, chúng tôi thấy có rất nhiều lợi thế, trong đó, người tiêu dùng đã tin tưởng hơn vào sản phẩm; tại các siêu thị, vị trí của các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cũng được đặt ở vị trí “ưu tiên” hơn, chi phí vào các chuỗi hệ thống siêu thị như Co.opmart cũng ít hơn”.
Theo đồng chí Lê Nguyên Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, xác định tầm quan trọng của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian qua, UBND huyện đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị liên quan và cùng địa phương trong huyện tập trung thực hiện; đồng thời tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Theo đó, hàng năm, UBND huyện đều tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình OCOP; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm… “Chương trình xây dựng Nông thôn mới thời gian qua đã phát huy được những kết quả tích cực; những chuyển biến trong hoạt động sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân. Đối với Chương trình OCOP, địa phương đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai tới từng xã, thị trấn tổ chức lựa chọn các sản phẩm đặc sắc để xây dựng thương hiệu OCOP. Bằng các nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã có các chính sách hỗ trợ đối với các đơn vị, các tổ hợp tác, cá nhân có nhu cầu xây dựng sản phẩm”, đồng chí Lê Nguyên Hoàng nói.
Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được trong thời gian qua, huyện vẫn còn gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai. Trước tiên, đó là sau thời gian đại dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn bị ảnh hưởng nhất định. Bên cạnh đó, một số địa phương trên địa bàn huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp như: ớt ngọt, rau, hoa, mật ong, cà phê rang xay… có định hướng để xây dựng OCOP. Tuy nhiên, các sản phẩm tại xã hầu hết là sản xuất thời vụ, không cố định sản phẩm đầu ra nên chưa có các khâu sơ chế, chế biến đảm bảo quy trình, chưa đảm bảo các tiêu chí theo Bộ tiêu chí sản phẩm của OCOP.
Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP hiện có. Đồng thời, tập trung triển khai các giải pháp, tổ chức các hội chợ quảng bá, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Song song với đó, sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động rà soát, tìm kiếm, lập danh sách các mặt hàng sản phẩm có đủ điều kiện xây dựng sản phẩm OCOP để hướng dẫn, tuyên truyền, vận động hỗ trợ các gia đình, cá nhân, các cơ sở sản xuất, chế biến đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP tại địa bàn quản lý… Đồng thời, làm đầu mối duy trì và thực hiện tốt khâu xúc tiến thương mại, giao lưu thương mại giữa các tỉnh, thành trong cả nước, từng bước đưa các sản phẩm OCOP của huyện hội nhập thị trường; hỗ trợ ngân sách, đưa tín dụng thương mại sâu rộng vào chương trình OCOP…
Nhật Minh
Báo Lâm Đồng Online – baolamdong.vn