Hưng Yên: Bảo tồn và phát triển làng nghề

Toàn tỉnh Hưng Yên hiện nay có 62 làng nghề, trong đó có 8 làng nghề truyền thống, 45 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Các làng nghề hoạt động theo từng nhóm nghề khác nhau như: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (17 làng); sản xuất đồ gỗ, mây tre đan… (23 làng); thủ công mỹ nghệ (5 làng); xử lý, chế biến nguyên vật liệu (9 làng); sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh (7 làng); các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn (1 làng). Có tổng số 18.143 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong làng nghề, gồm 17.821 hộ sản xuất, 289 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã, 16 tổ hợp tác; tạo việc làm cho trên 45.700 lao động; doanh thu của các cơ sở trong làng nghề đạt trên 7.578 tỷ đồng.


Sản xuất tại làng nghề chạm bạc Huệ Lai, xã Phù Ủng (Ân Thi)

Đồng chí Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thực hiện nhiệm vụ phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương trình UBND tỉnh công nhận 2 làng nghề, gồm Làng nghề đậu phụ An Vĩ, xã An Vĩ (Khoái Châu); Làng nghề mộc Bùi Bồng, xã Dương Quang (thị xã Mỹ Hào). Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có  45 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 8 làng nghề truyền thống.

Thực hiện Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 10/2/2023 về bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hưng Yên năm 2023. Qua đóhoạt động bảo tồn và phát triển làng nghề được triển khai đồng bộ, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của làng nghề, làng nghề truyền thống. Triển khai tốt các chính sách khuyến khích bảo tồn và phát triển làng nghề, cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm quản lý, sản xuất, cải tiến trang thiết bị, hướng dẫn, bồi dưỡng dạy nghề và nghiệp vụ quản lý sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã tại các làng nghề. Tạo điều kiện cho lao động tại các làng nghề tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn; mang lại hiệu quả kinh tế, tạo nhiều cơ hội việc làm phù hợp để tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương.

Sản xuất tương tại Làng nghề tương Bần, phường Bần Yên Nhân (thị xã Mỹ Hào)

Ngày 28/12/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND về bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hưng Yên năm 2024. Kế hoạch nhằm mục đích duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với văn hóa, du lịch; giữ gìn tinh hoa văn hóa bản địa; gắn sự phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống với hoạt động du lịch và lễ hội truyền thống, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ công nhận thêm 2 làng nghề, thực hiện 1­ đến 2 dự án hỗ trợ phát triển làng nghề; tổ chức 8 đến 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, trao đổi học tập kinh nghiệm về phát triển làng nghề, phát triển làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp. Nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa của làng nghề ở khu vực nông thôn, nâng cao năng lực sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề; chú trọng đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề; khuyến khích các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia chương trình OCOP; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường sinh thái. Kinh phí thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề được bố trí từ ngân sách nhà nước, từ các nguồn đầu tư của chủ thể sản xuất tại các làng nghề và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Để thực hiện tốt kế hoạch, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về chính sách phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn; Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng hạ tầng và bảo vệ môi trường làng nghề. Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề tập trung, ổn định; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại để tăng năng suất. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ và vật liệu mới vào sản xuất, ưu tiên công nghệ thân thiện với môi trường và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo; kết hợp công nghệ mới với kỹ thuật, công nghệ truyền thống để nâng cao hiệu quả sản xuất nhưng không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản phẩm; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại và phát triển du lịch làng nghề. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề; hỗ trợ đầu tư hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề. Khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại; xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường; hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, bán hàng trực tuyến. Phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống; phát triển hạ tầng làng nghề gắn với du lịch; tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề truyền thống gắn với nét độc đáo, bản sắc văn hóa riêng của từng làng nghề.

Đào Ban
Báo Hưng Yên – baohungyen.vn