Hòa Bình: Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Theo báo cáo, năm 2023, toàn tỉnh Hòa Bình xây dựng được 39 sản phẩm OCOP mới. Trong đó, các huyện: Yên Thủy, Cao Phong, Lạc Thủy, Đà Bắc mỗi huyện 4 sản phẩm; các huyện: Kim Bôi, Lương Sơn, Mai Châu, TP Hòa Bình mỗi đơn vị 3 sản phẩm; huyện Tân Lạc 5 sản phẩm; huyện Lạc Sơn 6 sản phẩm. Trong 39 sản phẩm OCOP mới có 6 sản phẩm được đánh giá trên 70 điểm tham gia đánh giá cấp tỉnh.

 

Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình ký kết hợp tác kết nối giao thương, quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Với 39 sản phẩm mới được công nhận năm 2023, đến nay, tỉnh có 153 sản phẩm OCOP (22 sản phẩm 4 sao, 131 sản phẩm 3 sao), trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 4 sao tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như: cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá sông Đà, nhóm sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ, nhóm dược liệu như cà gai leo, cao xạ đen…, du lịch cộng đồng và thổ cẩm dân tộc.

Đồng chí Hoàng Văn Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa quy trình sản xuất, đảm bảo tính ổn định. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao tỷ lệ sản phẩm OCOP đạt 4 sao trở lên. Đối với các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP, tỉnh đã hướng dẫn các chủ thể tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố hỗ trợ chủ thể khắc phục vấn đề về bao bì, nguồn gốc sản phẩm và sở hữu trí tuệ, tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP chất lượng. Trong năm 2023, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức ký kết hợp tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản với một số tỉnh, thành phố như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm tại nhiều diễn đàn, hội chợ quảng bá sản phẩm hàng nông nghiệp. Ngành NN&PTNT đã phối hợp các sở, ngành tổ chức xuất khẩu nhiều sản phẩm OCOP chất lượng sang các thị trường Mỹ, Anh, EU, như: sản phẩm măng nứa khô nấu ngay và măng chua thái sẵn của Công ty cổ phần Kim Bôi (2 sản phẩm OCOP đang đề nghị Bộ NN&PTNT công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao); tinh bột nghệ Nhưng Vần và trà chanh đào mật ong, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy… Trong năm, Sở NN&PTNT đã tổ chức Lễ hội cá tôm sông Đà lần thứ nhất và Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Tại đây, tỉnh Hòa Bình đã giới thiệu toàn bộ sản phẩm OCOP của tỉnh. Ngoài ra, các kênh của ngành Công Thương, Liên minh HTX tỉnh cũng kết nối tổ chức cho các chủ thể tham gia nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các sự kiện văn hóa, du lịch của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng 16 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tiếp tục phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Theo đồng chí Hoàng Văn Tuân, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm mới, sản phẩm dịch vụ, du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Thúc đẩy, khuyến khích các phong trào phụ nữ, thanh niên, trí thức trẻ tích cực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đặc thù gắn với địa phương tham gia Chương trình OCOP. Triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Phát triển các vùng nguyên liệu gắn với chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn… Bên cạnh nội dung phát triển sản phẩm OCOP mới, ngành NN&PTNT sẽ phối hợp các sở, ngành tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP và đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong Chương trình OCOP. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chủ thể về quản lý, phát triển sản phẩm OCOP…

Đinh Hòa

Báo Hòa Bình điện tử – baohoabinh.com.vn