Hà Nội: Phát triển du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ nông sản

Du lịch nông thôn là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính có thêm nhiều điểm du lịch nông thôn, đây là một trong những tiềm năng để phát triển du lịch và tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề cho bà con nông dân.

Tiềm năng để du lịch nông thôn phát triển

Có thể thấy trong nhiều năm qua, du lịch về các vùng nông thôn, làng nghề hay những trang trạng trồng cây ăn trái thu hút được nhiều du khách không chỉ trong nước, mà ngay cả khách du lịch quốc tế đến tham gia trải nghiệm.

Không những giới thiệu cho du khách bản sắc văn hóa vốn có của từng vùng miền, từng địa phương, khi đến đây du khách còn có điều kiện để thưởng thức, mua sắm những sản phẩm nông sản mang tính truyền thống và đặc sản của địa phương đó.


Làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một ngôi làng tiêu biểu nhất trong sản xuất mây tre đan, tạo ra những sản phẩm đẹp mắt và tinh xảo.

Hà Nội vừa là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, quốc phòng – an ninh của cả nước, đồng thời Hà Nội cũng là mảnh đất “trăm nghề”. Đến nay Hà Nội đã có 308 làng nghề truyền thống được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, các làng nghề này đều có sự gắn bó mật thiết với “36 phố phường” của Thủ đô. Đây là một trong những tiềm năng rất lớn của Hà Nội cho du lịch nông thôn phát triển.

Cùng với đó là hệ thống cảnh quan sinh thái như Vườn quốc gia Ba Vì, khu thắng cảnh Hương Sơn, cảnh quan vùng núi Viên Nam,… Hà Nội còn có những không gian nông nghiệp chuyên canh và trồng hoa cây cảnh ở các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Mê Linh…

Nhờ mở rộng địa giới hành chính mà Hà Nội có thêm nhiều điểm đến du lịch nông thôn. Đến nay, thành phố công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái, có thể điểm qua một số điểm du lịch thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan  như điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp: Trang trại dê trắng, trang trại đồng quê (huyện Ba Vì).

Đây có thể nói là những tiềm năng để cho Hà Nội phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn, đồng thời cũng là tiềm năng để các làng nghề giới thiệu sản phẩm truyền thống và sản phẩm nông sản.

Hợp tác xã góp sức cho du lịch

Là một huyện có sự đa dạng về địa hình với hệ thống đồi, núi, hồ, rừng rộng lớn cùng với sự đầu tư cho ngành nông nghiệp hàng hóa đang giúp huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội) phát triển du lịch tham quan trải nghiệm. Đặc biệt, việc kết nối Sóc Sơn với các huyện lân cận trong phát triển du lịch địa phương, đang góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người dân.


Sản xuất nông nghiệp hàng hóa là nền tảng thu hút khách du lịch.

Xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) không chỉ nổi tiếng với các loại rau củ quả đủ chủng loại mà còn hút khách gần xa nhờ sản phẩm dưa lê. Dưa của địa phương được phát triển thông qua HTX rau an toàn Đông Xuân. HTX này đã áp dụng nguyên tắc 5 không: không dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, không có chất biến đổi gen, không chất kích thích sinh trưởng và không sử dụng thuốc diệt cỏ vào sản xuất. Khi HTX thu mua sản phẩm của từng hộ, nhóm hộ đều được lưu mẫu để kiểm tra chất lượng và truy xuất nguồn gốc tới từng hộ. HTX cũng đầu tư nhà lưới để bảo đảm chất lượng sản phẩm, hạn chế tác động của môi trường trong sản xuất.

Chính vì vậy, loại quả này của HTX đã được chứng nhận an toàn nên có thể cung cấp ra thị trường 100-200kg mỗi ngày. Bà Trần Ngọc Liên, Giám đốc HTX, cho rằng dưa lê hiện là một trong những sản phẩm được nhiều khách du lịch khi đến Sóc Sơn tham quan, trải nghiệm lựa chọn để thưởng thức hoặc mua về làm quà với số lượng lớn nên tạo thu nhập ổn định cho 78 hộ nông dân trên địa bàn.

Một trong những sản phẩm nông nghiệp khác được các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, homestay trong huyện lựa chọn để đãi khách đó chính là gà đồi. Ngoài những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn có các HTX, doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi gà đồi quy mô lớn. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Tùng Dương đã sử dụng chế phẩm vi sinh để chăn nuôi. Vì vậy mà trại gà của HTX không có mùi hôi, không khí rất sạch. Không những thế, đàn gà luôn khỏe mạnh, chất lượng thịt, trứng thơm ngon vì gà không phải dùng thuốc kháng sinh do ít bệnh.

Ông Đặng Đức Đắc, Giám đốc HTX Tùng Dương cho biết, khách du lịch hiện là một trong những lượng tiêu thụ gà và trứng khá ổn định cho HTX. Đặc biệt gà được sơ chế, trứng được đóng hộp có thương hiệu, chứng nhận rõ ràng nên khách hàng rất yên tâm, thuận tiện vận chuyển. Nhiều khách khi mua về sử dụng thấy tốt lại tiếp tục đặt hàng.

Trong Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch, du lịch cộng đồng cho dân cư năm 2023 diễn ra ngày 28/9, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, huyện đã có nhiều mô hình du lịch, nhiều vùng sản xuất tập trung được hình thành, trở thành điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách. Để tiếp tục phát triển du lịch nông nghiệp, thời gian tới, huyện mong muốn kết hợp với Sở Du lịch Hà Nội để phát triển hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp (khách 4-5 sao, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn) dọc tuyến Nhật Tân – Nội Bài, đường Vành đai 4, khu vực núi Sóc – hồ Đồng Quan… bởi huyện đang nằm trong nghiên cứu không gian quy hoạch du lịch của thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn Hà Nội còn dựa trên 3 trụ cột chính, đó là: kinh tế, môi trường sinh thái và xã hội, đồng thời gắn kết phát triển tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp làng nghề để đem lại thu nhập và lợi ích cho các bên tham gia vào hoạt động phát triển du lịch, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cư dân vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới đoàn kết, giàu bản sắc văn hóa vùng, miền. Tuy nhiên lĩnh vực này còn có những khó khăn, hạn chế cần được tháo gỡ.

Đó là các mô hình du lịch nông thôn của Hà Nội còn mang tính tự phát, chưa bài bản, thiếu sự liên kết, thiếu bền vững nên hiệu quả chưa cao. Vấn đề quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp là một việc khó khăn, đòi hỏi tầm nhìn lâu dài. Vấn đề xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa sản phẩm du lịch nông nghiệp, kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp còn gặp rất nhiều trở ngại nếu không có sự trợ giúp kịp thời. Vấn đề truyền thông, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên để cân bằng giữa bảo tồn, giữ gìn và phát triển.

Giải quyết được vấn đề này chúng ta sẽ vừa phát triển được ngành du lịch, đồng thời cũng giúp cho bà con nông dân tiêu thụ được sản phẩm nông sản, tạo được công ăn việc làm ổn định và phát triển được kinh tế cho bà con nông dân.

Ngọc Thủy
Tạp chí điện tử Kinh tế nông thôn – kinhtenongthon.vn