Rau mầm của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đến nay thành phố có 2.167 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó sáu sản phẩm được công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Đây là kết quả của sự vào cuộc tích cực, với sự chỉ đạo tổ chức đồng bộ, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở và sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang sản xuất sản phẩm cung ứng ra thị trường, sự đón nhận hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Cùng với đó, thành phố luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, phiên chợ để kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng trong cả nước. Thông qua đó, các sản phẩm OCOP của thành phố đã được người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ. Đến nay, Hà Nội đã khai trương đi vào hoạt động 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Vì vậy, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu đến nhiều thị trường như: Châu Âu, Nhật Bản, Australia…
Đến nay, huyện Ứng Hòa có 44 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Nhằm giúp các sản phẩm phát triển, huyện đã lập trang thương mại điện tử trên Facebook để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP nói riêng, nông sản nói chung của địa phương để các tổ chức, cá nhân kết nối với doanh nghiệp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, được tạo điều kiện tham gia các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Đồng thời hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có chất lượng hợp thị hiếu người tiêu dùng; hằng năm các chủ thể đều đăng ký gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện đến người tiêu dùng tại các sự kiện. Qua đó, các chủ thể có cơ hội gặp gỡ trao đổi và đàm phán với doanh nghiệp, khách hàng và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, trên địa bàn huyện Thường Tín hiện có 166 sản phẩm được công nhận từ 3 đến 4 sao. Sau khi được công nhận OCOP, các nhóm thực phẩm, ngành lưu niệm, nội thất, trang trí đều có sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng so với trước khi được công nhận. Ngoài ra, sản phẩm của các chủ thể được hỗ trợ tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại cho nên được nhiều người biết đến, tin dùng, giúp doanh số bán ra ngày càng tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình OCOP của Hà Nội còn một số bất cập như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn có những hạn chế nhất định nên công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chưa hiệu quả. Một số chủ thể chưa quan tâm đến đổi mới thiết kế bao bì nhãn mác, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; chất lượng sản phẩm còn chưa đồng đều, thiếu tính cạnh tranh.
Ngoài ra, một số chủ thể chưa hiểu hết ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng và phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP; việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hóa gặp nhiều khó khăn…
Tại huyện Ứng Hòa, các cơ sở sản xuất và các sản phẩm tham gia chương trình OCOP còn ít so với tiềm năng; các sản phẩm tham gia chưa đa dạng; nhiều cơ sở sản xuất thiếu kế hoạch bảo vệ, đánh giá tác động môi trường; phần lớn các sản phẩm sử dụng kênh bán hàng truyền thống; thị trường tiêu thụ chủ yếu tập trung ở thành phố, chưa chú trọng đến hệ thống phân phối và ít quan tâm đến hoạt động quảng bá; nhiều cơ sở sản xuất chưa có kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm…
Nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế các sản phẩm OCOP, giúp người dân vùng nông thôn nâng cao thu nhập, thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về chương trình mỗi xã một sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xác định đây là một trong những khâu then chốt để tạo động lực thúc đẩy chương trình; ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững; triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chương trình OCOP.
Mặt khác, thành phố tập trung xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sàn giao dịch điện tử, bán hàng online…
Từ đó, giúp sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP cần tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi; đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Bài và ảnh: Nguyên Phúc
Báo Nhân dân điện tử – nhandan.vn