Hà Nội: Gia tăng giá trị từ du lịch nông nghiệp, nông thôn

Chương trình “ Mỗi xã một sản phẩm” OCOP đang góp phần “giải bài toán” sản phẩm du lịch ở các địa phương, đồng thời thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập người dân.

Theo báo cáo của Văn Phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, chương trình OCOP được triển khai rộng khắp tại 63/63 tỉnh, thành phố với 6 nhóm sản phẩm chính gồm: thực phẩm, đồ uống, vải và may mặc, đồ lưu niệm – trang trí – nội thất, thảo dược và dịch vụ – du lịch cộng đồng – điểm du lịch. Hiện nay, cả nước có khoảng trên 8.800 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm này không chỉ góp phần nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân mà còn tạo sự phong phú cho hoạt động du lịch tại địa phương, thu hút nhiều du khách.

Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn nhận định, nhiều sản phẩm OCOP đã tạo được lợi thế so sánh, phát huy giá trị văn hóa vùng, miền để tích hợp “đa giá trị” trong từng sản phẩm, tạo sự gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước và được gọi là “Đất trăm nghề”, với 1.350 làng nghề, trong đó có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Đây chính là lợi thế phát triển loại hình du lịch cộng đồng, điểm du lịch, dịch vụ mang tính đặc thù, khác biệt. Hà Nội  hiện đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo dựng được thương hiệu điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn Hà Nội.

Nhiều dư địa phát triển

Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội Ngọ Văn Ngôn chia sẻ: thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mỗi xã một sản phẩm, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các Quyết định: Số 3629/QĐ-UBND ngày 8/7/2019 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm TP. Hà Nội đến năm 2020; Số 1356/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của UBND TP. Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm TP. Hà Nội đến năm 2025.Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP đến nay, cả nước đã có gần 80 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Từ năm 2022, TP. Hà Nội có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Đó là Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.

Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP là hướng đi hiệu quả. Bộ Tiêu chí về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đã có nhiều định hướng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ngoài 2 sản phẩm OCOP thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, TP. Hà Nội đã công nhận 5 điểm du lịch cấp thành phố ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái. Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa, các làng nghề, nông sản tiêu biểu…, nhiều địa phương đã khai thác để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả.Nhiều điểm đến hấp dẫn, thú vị, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay, như: Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh huyện Thạch Thất; vùng sản xuất rau an toàn ở các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Phúc Thọ…; vùng trồng cây ăn quả huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm; vùng trồng hoa tập trung ở các huyện Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, Thường Tín.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, sau giai đoạn đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tập trung thực hiện đạt tiêu chí xã, huyện nông thôn mới theo chuẩn quy định, Hà Nội sớm ban hành và triển khai Kế hoạch số 73/KH-UBND thực hiện phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần có thêm nhiều xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hơn một năm qua, các sở, ngành, địa phương đã có các chương trình, hoạt động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.Bên cạnh ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái, đó là: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng, huyện Gia Lâm; điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm, huyện Thường Tín; điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ, huyện Thanh Trì; điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.Nhiều địa phương tại Hà Nội đã khai thác để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả.

Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa, các làng nghề, nông sản tiêu biểu…, nhiều địa phương đã khai thác để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả. Du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương và môi trường tự nhiên.bà Giang chia sẻ thêm.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn được xem là môt trong những sản phẩm du lịch có thể trở thành mũi nhọn, tạo được sản phẩm chuyên biệt cho Thủ đô để thu hút du khách lưu trú lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Từ việc nhận diện tiềm năng cũng như những khó khăn, vướng mắc, các chuyên gia cùng “hiến kế” nhiều giải pháp để có thể phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội bài bản, chuyên nghiệp hơn. Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho rằng, cần rà soát các hộ, cơ sở có diện tích chuyên canh lớn, sản phẩm đã công nhận OCOP hoặc nhãn hiệu tập thể để khuyến khích đáp ứng các tiêu chí công nhận sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Cần thêm cơ chế chính sách đặc thù

Hà Nội có lợi thế lớn khi du lịch kết hợp với xây dựng nông thôn mới, nhưng du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhiều địa phương chưa nhìn thấy tiềm năng từ loại hình du lịch này. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, nhiều điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau.Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chưa thỏa đáng…  tỷ lệ khách đến các làng nghề so với khách du lịch của cả thành phố nhỏ; doanh thu chủ yếu vẫn là từ việc bán các sản phẩm thủ công, chi tiêu của khách du lịch rất thấp cho các dịch vụ du lịch; chưa tạo dựng được thương hiệu điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn Hà Nội thực sự cạnh tranh…

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, huyện Thường Tín Nguyễn Văn Phượng chia sẻ; cần có chính sách nguồn nhân lực nông thôn, tập trung định hướng chuyển đổi nghề cho thế hệ trẻ tại các địa phương cùng tham gia làm kinh tế; bảo đảm công tác an ninh, an toàn cho du khách.

Ông Tạ Hữu Chiến, Giám đốc Công ty Du lịch Sunvina cho rằng, cần có sự kết nối giữa ngành du lịch và giáo dục để đẩy mạnh du lịch học đường trải nghiệm tại các vùng nông thôn, tạo nguồn khách ổn định cho các điểm du lịch nông nghiệp.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, yếu tố khó nhất hiện nay trong phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch là bài toán cơ sở hạ tầng. “Để phát triển được các điểm đến du lịch thì hạ tầng cần được xem là thiết yếu. Giao thông thuận lợi sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các điểm đến” – ông Chí nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng, điểm du lịch, T.Ư và TP Hà Nội cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân; không chỉ trên khía cạnh xây dựng hạ tầng, mà còn trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa theo hướng bền vững ở khu vực nông thôn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, điểm du lịch đã được TP xác định là một trong những mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, TP sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và nông nghiệp.Ưu tiên của TP trong giai đoạn 2023 – 2025 là phát triển những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao. Đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Trong định hướng chung đó, sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch sẽ tiếp tục được Hà Nội quan tâm đầu tư, phát triển xứng tầm trong thời gian tới.

* Trang thông tin  có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

Ngọc Minh

Báo Văn hóa Điện tử – baovanhoa.vn