Hà Giang: Phát huy bản sắc văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng

Tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống và phát triển, tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa truyền thống, thể hiện rõ nét qua trang phục, lễ hội, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, kiến trúc... Thực hiện Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2023 (Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch), thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tạo đòn bẩy để bà con vươn lên làm giàu.

Địa danh nổi tiếng nhất của Hà Giang chính là cao nguyên đá Đồng Văn, trải rộng qua 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Đây là một trong những vùng núi đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Cao nguyên đá Đồng Văn còn mang trong mình trầm tích văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân là những người thuộc các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Hoa, Giáy, Lô Lô, Pu Péo… Tận dụng những ưu thế về tự nhiên, văn hóa, xã hội, cộng đồng dân cư sinh sống ở cao nguyên đá Đồng Văn đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng nhằm tăng thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Hiện nay, tại cao nguyên đá Đồng Văn đã hình thành các làng du lịch cộng đồng được du khách trong và ngoài nước ưa thích, như Làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc) nằm dưới chân đèo Mã Pì Lèng. Đây là nơi sinh sống của 26 hộ đồng bào dân tộc Mông với không gian đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Làng văn hóa Pả Vi hấp dẫn du khách bởi đến đây, du khách có thể tham gia trải nghiệm dệt vải, đan quẩy tấu, các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực của người Mông…

Chợ phiên-nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang.

Cũng khai thác văn hóa truyền thống, đồng bào dân tộc Dao ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đã xây dựng làng du lịch cộng đồng Nặm Đăm. Hiện nay, thôn còn giữ được nhiều nét bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, sinh hoạt truyền thống. Những ngôi nhà nơi đây đều là nhà trình tường, mộc mạc, đậm nét văn hóa, kiến trúc của đồng bào dân tộc Dao. Tới đây, du khách có thể thưởng thức các món ăn truyền thống, các bài hát, điệu múa độc đáo, lễ hội cầu mùa, lễ cúng cơm mới, lễ cấp sắc… của đồng bào dân tộc Dao.

Nhờ phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc của đồng bào DTTS đã góp phần giúp kinh tế của 4 huyện cao nguyên đá của Hà Giang thay đổi rõ rệt, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tỷ lệ giảm nghèo đạt hơn 6%/năm (cao hơn 1-2% so với mức giảm nghèo bình quân chung của tỉnh). Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Gia Long, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Toàn tỉnh Hà Giang đang có 16 làng du lịch cộng đồng với đặc thù riêng nhưng tinh thần chung là phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc DTTS. Tuy nhiên, để tiếp tục nhân rộng các mô hình này, cần có sự chung tay của chính quyền và người dân, có sự định hướng từ các cơ quan quản lý và sự giúp đỡ của những tổ chức quốc tế, từ đó giúp các cộng đồng có thể xây dựng được mô hình du lịch đặc trưng của dân tộc mình.

Bài và ảnh: Bích Nguyên
Báo Quân đội nhân dân – qdnd.vn