Hái chè Shan tuyết trên núi
Nằm trên sườn Đông dải Tây Côn Lĩnh, thôn Nậm An mùa này vẫn chìm trong làn sương mỏng đầy sức quyến rũ. Trưởng thôn Triệu Quang Vinh hồ hởi: Chè núi đầu Xuân đấy anh, thơm lắm. Cầm chén trà trên tay, hương cốm quyện lấy hương rừng phảng phất trong không gian bao la. Từ nhà Trưởng thôn Nậm An, tôi thắt lại dây giầy, cầm theo chiếc gậy, cùng vợ chồng Triệu Quang Vinh lên rừng hái chè. Ở phía Đông áp thôn Nậm An là dải Tây Côn Lĩnh, dưới tán rừng, những cây chè thân mình rêu phong, địa y bám đầy. Anh Vinh cho biết: Tổ tiên của người Dao đỏ có mặt trên bản Nậm An đã qua rất nhiều thế hệ, cuộc sống của người Dao đỏ thường gắn với rừng như một lẽ sống. Ở Nậm An, cả thôn có 47 hộ, dân số 277 nhân khẩu. Toàn thôn có trên 90 ha chè Shan tuyết, phần lớn chè cổ thụ trăm năm tuổi. Diện tích chè Shan tuyết đều nằm dưới tán rừng già có độ cao trên 800 m – 1.500 m. Ông Phàn Chàn Hin, năm nay đã ngoài 80 tuổi đi cùng chúng tôi vui vẻ góp chuyện: Đến đời tôi đã là đời thứ 6, vẫn đang sống với những cây chè Shan tuyết, tính cả 6 đời người dòng họ Phàn đã sống và thu hái búp chè Shan tuyết trên núi. Mỗi năm, cha con nhà họ Phàn chúng tôi vẫn thu hái búp từ 4 đến 6 lứa, mỗi lứa cũng thu được vài tấn chè búp tươi, mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. Cách đây vài năm, nhận thấy lợi thế vùng chè nguyên liệu có sẵn trong thôn, anh Triệu Quang Vinh đã thành lập HTX chế biến chè Vinh Sính. Khi HTX đi vào hoạt động đã thu mua chè búp nguyên liệu cho dân bản, tạo việc làm cho nhiều lao động trong thôn. Sản phẩm trà Shan tuyết của HTX Vinh Sính đã được người tiêu dùng cả nước biết đến từ nhiều năm nay và ngày càng trở nên nổi tiếng. Người trong thôn dạy bảo con cháu trong dòng họ phải biết quý rừng, phải biết trồng thêm cây chè và giữ lấy rừng.
Trao đổi với Trưởng thôn Nậm An, Triệu Quang Vinh được biết: Vụ thu hái chè búp đầu năm nay cả thôn vui vì giá thu mua chè khá cao. Giá thu mua chè búp tươi hiện đang dao động từ 25 – 35 ngàn đồng/kg, cao gấp nhiều lần so cùng kỳ năm 2023; riêng giá thu mua chè búp loại đặc biệt hái 1 tôm, 2 lá, để chế biến chè đặc sản sẽ có giá bán khoảng 40 – 50 ngàn đồng/kg. Bình quân, mỗi ha chè Shan tuyết đầu năm ở Nậm An sẽ mang lại cho nhà nông khoảng 30 – 35 triệu đồng/lứa. Cây chè Shan tuyết Nậm An và chè Shan tuyết vùng núi cao bây giờ đang trở thành cây có lợi thế trong phát triển kinh tế bền vững. Ngày nay, khoa học hiện đại còn chứng minh trong chè có các chất ngừa ung thư, chất chống lão hoá có khả năng kéo dài tuổi thọ cho con người. Tôi đưa tay hái vài búp chè non xoa trên tay đã thấy hương Cốm đầu mùa thơm ngậy. Và cũng chợt nhận ra, mọi cảm giác mệt mỏi khi leo núi bỗng dưng tan biến giữa đại ngàn.
Trở về nhà Trưởng thôn Nậm An, Triệu Quang Vinh trời đã xế chiều, anh Vinh bật mí: Nậm An bây giờ không chỉ có chè Shan tuyết mà phát triển nuôi thêm cá Tầm nước lạnh ngay trên khe núi, có thêm sản phẩm Sa nhân đỏ, Thảo quả làm dược liệu được trồng trong rừng già. Người Nậm An ngày nay đang phát huy lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo riêng có để phát triển kinh tế, giảm nghèo và hướng đến làm giàu.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Báo Hà Giang – baohagiang.vn