Ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Sinh ra và lớn lên ở xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn), sản xuất bánh đa là nghề truyền thống nhiều đời của gia đình chị Nguyễn Thị Huyền. Vì vậy, sau khi lập gia đình, chị Huyền mang theo nghề gia truyền về nhà chồng “khởi nghiệp”. Trước đây, những chiếc bánh đa giòn thơm được chị Huyền sản xuất bằng các vật dụng, công cụ thô sơ, gạo được xay bằng cối đá, bánh được tráng bằng tay, phơi bằng nắng gió… Tuy sản lượng ít nhưng sản phẩm của gia đình chị khi “ra lò” luôn hấp dẫn bởi có công thức chế biến riêng lưu truyền.
Chị Huyền chia sẻ, để làm được chiếc bánh ngon thì nguyên liệu làm bánh phải được lựa chọn kỹ càng. Hai nguyên liệu chính của bánh là gạo và hạt vừng nhưng gạo làm bánh phải là gạo tẻ ngon, khô xốp, vừng phải chọn loại ngon nhất, đãi hết hạt lép để khi ăn khỏi nhám và phải lọc kỹ hết cát sạn. Trước khi tráng bánh, phải nêm một ít muối, hạt tiêu vào bột giúp bánh đa có độ đậm đà. Bánh sau khi tráng thì được đem phơi nắng ở không gian thoáng, sạch, bảo đảm vệ sinh.
Bánh đa nướng Quảng Lộc đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Trước đây, hầu hết các công đoạn sản xuất ra chiếc bánh đa chủ yếu được thực hiện bằng thủ công nên khá vất vả, mất nhiều thời gian. Chị Huyền thường phải dậy từ 2 giờ sáng, tự tay thực hiện các công đoạn và kết thúc công việc vào khoảng hơn 12 giờ trưa. Vất vả là vậy nhưng năng suất và sản lượng lại không cao, cả ngày nhiều nhất chỉ tráng được khoảng 500 cái. Để phát triển nghề truyền thống của gia đình và đưa sản phẩm bánh đa đến gần hơn với khách hàng, năm 2015, chị Huyền đã tìm hiểu và quyết định đầu tư dây chuyền tráng bánh bán tự động, gồm máy xay bột, máy tráng bánh để phục vụ sản xuất. Nhờ ứng dụng công nghệ và từng bước đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nên năng suất lao động và sản lượng tăng lên gấp 5 lần so với cách làm thủ công trước đây.
Chị Huyền cho biết: Từ khi đầu tư, ứng dụng công nghệ, máy móc, chỉ mất khoảng 5 giờ đồng hồ là chị có thể tráng được hơn 4.000 cái bánh (tương đương với 250kg gạo) nên cũng không còn phải thức khuya dậy sớm như trước nữa. Cũng theo chị Huyền, mặc dù có sự hỗ trợ của máy móc nhưng các công đoạn làm bánh vẫn đòi hỏi người làm phải rành nghề, bởi quy trình làm bánh đa phải tuân thủ thời gian nghiêm ngặt, nhất là thời gian ngâm, ủ gạo và xay bột; chưa kể các nguyên liệu phải được phối trộn theo nguyên tắc và tỷ lệ nhất định để chiếc bánh làm ra bảo đảm chất lượng.
Chính vì vậy, cơ sở của của chị Huyền luôn giữ được hương vị của chiếc bánh truyền thống và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bánh đa của gia đình chị được nhiều thương lái tìm đến thu mua tận nhà, đầu ra luôn ổn định.
Xây dựng thương hiệu bánh đa nướng
Với mong muốn đưa sản phẩm hoàn chỉnh của cơ sở đến tay người tiêu dùng, từ nhiều năm nay, cơ sở của chị Huyền còn làm thêm bánh đa nướng để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Trước đây, dù được nướng bằng than củi nhưng bánh đa nướng của cơ sở chị Huyền được nhiều người yêu thích bởi khi ăn bánh có vị giòn, thơm và đậm đà. Tuy nhiên, bánh nướng bằng than có nhiều hạn chế như chín không đều, bánh bị cong vênh, dễ bị vỡ khi vận chuyển.
Bánh được nướng bằng máy nên có độ giòn đều, đẹp
Năm 2022, từ nguồn vốn khuyến công, TX. Ba Đồn đã hỗ trợ cho cơ sở của chị Huyền 25 triệu đồng để đầu tư máy nướng bằng công nghệ hiện đại. Với loại máy này, bánh nướng thẳng đều, màu sắc và độ giòn đều nhau, khắc phục được những hạn chế trước đây khi nướng bằng than củi.
Nhờ việc đầu tư bài bản từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất nên sản phẩm bánh đa nướng của chị Huyền được người tiêu dùng ưa chuộng và nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường. Hiện thị trường tiêu thụ chính của sản phẩm là ở các chợ, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn toàn tỉnh… Cuối năm 2022, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ sở làm bánh của chị Huyền được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, xây dựng được nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc… Sản phẩm bánh đa nướng chị Huyền với tên gọi “bánh đa nướng Quảng Lộc” hiện đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.
Mỗi ngày, cơ sở xuất bán ra thị trường khoảng 4.000 chiếc bánh với giá bán từ 2.000-3.000 đồng/chiếc tùy kích thước, thu lãi hơn 200 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.
Tuy nhiên, theo chị Huyền thì cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn trong khâu sản xuất bởi nghề làm bánh đa phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, vào những tháng mưa, do chưa có máy sấy nên không làm được hoặc làm xong nhưng không đạt chất lượng. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, trong khi giá bán sản phẩm lại không tăng nên lợi nhuận chưa cao. Mong muốn của gia đình chị thời gian tới là sẽ được các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ kinh phí đầu tư thêm máy sấy, máy đóng gói hút chân không để sản phẩm dễ dàng vận chuyển và tiêu thụ.
Chị Nguyễn Thị Thắm, ở Quảng Lộc cho biết: Tôi đã nhập bánh đa nhiều nơi về để bán nhưng bánh đa nướng Quảng Lộc được khách hàng sử dụng và khen giòn, ngon, đậm đà. Đặc biệt, bánh được công nhận OCOP 3 sao nên khách hàng rất yên tâm về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.
|
Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc Hoàng Văn Phú cho biết: “Mô hình sản xuất bánh đa của cơ sở chị Huyền là một trong số những mô hình kinh tế nổi bật của xã. Bánh đa nướng Quảng Lộc một trong hai sản phẩm tại địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao-đây là tấm “vé thông hành” để sản phẩm vươn ra thị trường lớn, nâng cao sản lượng tiêu thụ.
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ cơ sở trong giới thiệu các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư thiết bị máy móc, mở rộng nhà xưởng; thành lập HTX để liên kết sản xuất, nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm; kết nối tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, phấn đấu nâng hạng sản phẩm lên OCOP 4 sao…
Thanh Hoa
Báo Quảng Bình điện tử – baoquangbinh.vn