Gia Lai: Chư Păh bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Với lợi thế sẵn có, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Ông Nguyễn Minh Đức-Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chư Păh – cho biết: Toàn huyện có 346 bộ cồng chiêng với 5.116 chiếc; 73 đội cồng chiêng, múa xoang; có 71 nhà rông và 3.584 nhà sàn. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số còn lưu giữ nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn goong, t’rưng và 4 lễ hội truyền thống gồm: pơ thi, đâm trâu, mừng lúa mới, cúng giọt nước. Ngoài ra, bà con còn lưu giữ một số nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng…


Người dân xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) luôn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Đ.T

“Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, từ nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia, Phòng sẽ tiến hành sửa chữa, tu bổ nhà rông dành cho sinh hoạt cộng đồng tại một số làng của 2 xã Đak Tơ Ve và Ia Mơ Nông. Cùng với đó, sẽ thành lập câu lạc bộ cồng chiêng ở xã Ia Ka và mở các lớp truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng và xoang cho thanh-thiếu niên. Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch hỗ trợ 4 bộ chiêng cho các xã: Chư Đang Ya, Đak Tơ Ve, Hà Tây, Ia Ka; phối hợp với các cơ quan liên quan phục dựng lễ hội mừng lúa mới”-ông Đức thông tin.

Trong quá trình triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025, huyện đã chọn 3 làng gồm: Ia Gri (xã Chư Đang Ya), Kép (xã Ia Mơ Nông), Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây) để xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng. Làng Ia Gri có các điểm du lịch như: núi lửa Chư Đang Ya, nhà thờ cổ HBâu, núi Chư Nâm nên việc khai thác giá trị du lịch được chính quyền địa phương và dân làng quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Nội – Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya – cho biết: Đến nay, làng Ia Gri đã có đội chiêng nam và đội xoang nữ phục vụ các lễ hội và du khách khi có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đã tổ chức lớp tập huấn phát triển nguồn nhân lực làm du lịch cộng đồng và hỗ trợ trang phục biểu diễn cồng chiêng để xây dựng mô hình khởi nghiệp cho 100 người là cán bộ quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, cán bộ thôn, làng và người dân.

“Thời gian tới, UBND xã sẽ lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư hạ tầng giao thông, sửa chữa thiết chế văn hóa của làng. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư liên kết với người dân làm homestay; khuyến khích các hộ dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển du lịch cộng đồng”-Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya nói.

Tương tự, đồng bào Jrai ở làng Kép (xã Ia Mơ Nông) còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm nghề đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, biểu diễn cồng chiêng và thưởng thức ẩm thực. Đồng thời, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của thác Công chúa.

Chị HUyên Niê-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Mơ Nông, Tổ trưởng Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm làng Kép-cho hay: “Tổ có 12 thành viên. Chúng tôi luôn sẵn sàng hướng dẫn du khách trải nghiệm, tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống của người dân nơi đây”.


Người dân làng Kép (xã Ia Mơ Nông) vẫn giữ tập quán làm nhà sàn truyền thống. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngọc Thanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-cho biết: Trong những năm qua, huyện đã từng bước bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thường xuyên tổ chức các hội thi, liên hoan biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm tại lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya; tổ chức các hội thi văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số… Cùng với đó, UBND huyện đã phê duyệt đề án thu hút đầu tư và phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh về con người, thiên nhiên và văn hóa đặc trưng của huyện đến với du khách gần xa.

“Thời gian đến, UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là thanh niên giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tiếp tục điều tra, sưu tầm, giữ gìn, nghiên cứu, giới thiệu các loại hình nghệ thuật dân gian, trang phục, nhạc cụ trong đời sống hàng ngày của người dân. Ngăn chặn tình trạng thất thoát, xâm hại các di sản văn hóa hiện có; sáng tạo những giá trị mới về văn học nghệ thuật trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống. Đẩy mạnh các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp với giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới”-Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.

Lê Nam

Báo Gia Lai – baogialai.com.vn