Xã Tiến Thịnh được biết đến là xã tập trung nhiều làng nghề truyền thống với lịch sử lâu đời. Làng nghề truyền thống nơi đây gắn liền với những sản phẩm mang đậm hương vị của quê nhà như: kẹo lạc, chè lam, bánh đa nem,… và đặc biệt phải kể đến làng nghề bún miến thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Người ngâm gạo, người nhào bột, người đùn sợi bún, người phơi, người đóng gói… là những hình ảnh quá đỗi thân thuộc của người dân tại làng nghề bún miến Yên Thị.
Để làm ra sản phẩm bún miến ngon phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó quan trọng nhất là khâu chọn gaọ như chia sẻ của ông Lê Ngọc Thanh, người dân tại làng nghề truyền thống xã Tiến Thịnh: “Khâu quan trọng nhất là chọn gạo, gaọ càng cũ thì bột nó tơi. Quy trình thì cho vào đãi xong rồi ngâm gạo, thời gian ngâm là cỡ khoảng độ 15 đến 18 tiếng. Sau đó để ráo nước rồi mình cho vào đùn. Người ta gọi là đập bôtj, đây cũng là khâu rất quan trọng mà khi mà đập bột xong rồi thì trộn nước rồi mới đùn. Sau khi đùn xong thì mình cắt theo cái khẩu độ tuỳ theo lượng khách hàng. Đùn ra thành mỳ rồi mình mới đem chập nó lại xong đem ủ…..”
Theo chia sẻ của những gia đình làm nghề, mỳ, bún được sản xuất quanh năm, song thời điểm bận rộn nhất phải kể đến dịp cận Tết. Nhờ sản phẩm làm ra đạt chất lượng và uy tín nên được nhiều thương lái trong và ngoài xã đến tận nơi mua và đặt hàng: “Mỳ bún Yên Thị khác ở những nơi làm bún miến khác đó là bún miến ở đây được làm rất là chuẩn chỉ. Lượng tiêu thụ của bà con là làm ra đến đâu là hết đến đấy, không có dư thừa. Mà như bây giờ thì rất là hạn chế nguồn cung, nhiều khi còn không có mà bán. Nhiều khi bán là phải chia nhau”.
Không chỉ được biết tới với nghề sản xuất mỳ, bún Yên Thị, xã Tiến Thịnh còn được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống nối tiếng hình thành từ lâu đời với những sản phẩm mang đậm hương vị của quê nhà như kẹo lạc, chè lam, bánh đa nem,… Trong đó, nhiều sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP. Đây cũng là một điều kiện để phát triển du lịch địa phương.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thịnh chia sẻ: “Đây cũng là điều kiện để hướng tới phát triển mô hình du lịch, trải nghiệm mô hình nông nghiệp, nông thôn. Và thực tế là nhiều trường học ở thành phố cũng đã đưa học sinh ở nhiều trường đến du lịch, tham quan, trải nghiệm mô hình và thực tế cũng đã trải nghiệm về sản xuất bánh đa nem, cũng như là nghề bún miến. Ngoài ra, Tiến Thịnh chúng tôi còn là một nơi có tiềm năng về du lịch tâm linh”.
Kết hợp phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với hoạt động du lịch, dịch vụ đang là hướng đi mới của xã Tiến Thịnh, với tiềm năng từ những làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề bún miến Yên Thị.
Ông Lưu cho biết: “Để phát triển tiềm năng du lịch, chúng tôi đang xây dựng thương hiệu thu hút được khách hàng không chỉ tại các thành phố mà còn lan tỏa ra các nước lân cận như châu Á và châu Âu. Hiện nay, bánh đa nem và bún miến đã được sang các nước châu Âu như Ba Lan, Liên Xô… Thế nhưng để có cái nhãn mác, sản phẩm OCOP rồi có sở hữu trí tuệ thì hiện nay đang chuẩn bị có công nhận rồi .
Thực ra thì bánh đa nem đã có quyết công nhận còn bún miến đang làm thủ tục để hướng tới xây dựng nhân rộng ra thành một hợp tác xã lớn. Từ đó, đó có quy mô để chúng ta vừa đi trải nghiệm sản phẩm sạch. nông nghiệp nông thôn cũng như trải nghiệm về sinh thái và trải nghiệm làng nghề này”.
Anh Thư – vovgiaothong.vn