Đồng Nai: Khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Đồng Nai đang đẩy mạnh mục tiêu liên kết phát triển ngành Du lịch gắn với nông nghiệp dựa trên thành quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), phát huy thế mạnh từ các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng.

Nông dân xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) chăm sóc vườn cây đón khách du lịch. Ảnh: N.Liên

Để thực hiện mục tiêu đó, thời gian qua, những địa phương có lợi thế phát triển du lịch cộng đồng như: Long Khánh, Biên Hòa, Xuân Lộc, Định Quán… đã có những cuộc khảo sát, thảo luận, tọa đàm với các hộ dân, doanh nghiệp lữ hành và các chuyên gia du lịch trong và ngoài tỉnh. Mục đích để tìm giải pháp tạo ra những sản phẩm du lịch cộng đồng có chất lượng, phát triển bền vững.

Khai thác du lịch dựa trên những lợi thế sẵn có

Đồng Nai đang có nhiều mô hình kinh doanh du lịch của các hộ dân tạo được tiếng vang trên thị trường. Một số địa phương đã hình thành tổ hợp tác (THT) du lịch nhằm tạo sự gắn kết, phát triển du lịch, như: THT Du lịch xã Bình Lộc (TP.Long Khánh), THT Du lịch cộng đồng xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc). Bên cạnh đó, nhiều hộ dân ở các địa phương trong tỉnh tận dụng những lợi thế của gia đình như: có đất ven hồ, sườn đồi, vườn cây trái phong phú và đẹp mắt… để mở điểm tham quan kết hợp kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tháng 6/2023, THT Du lịch sinh thái Vườn cây ăn trái Xuân Bắc (xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) chính thức ra mắt với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn kết với các vườn cây ăn trái như nông trại dưa lưới hữu cơ, các vườn: ca cao, bưởi da xanh, mít, chôm chôm, ổi…

Ông Văn Thành Toàn, Tổ trưởng THT Du lịch sinh thái Vườn cây ăn trái Xuân Bắc cho biết, sau thời gian khởi động, ngoài 10ha tham gia THT ban đầu, đến nay đã có thêm một số nông trại, nhà vườn đăng ký tham gia đón khách du lịch. Tại mỗi điểm vườn, khách tham quan sẽ được thưởng thức những món ăn từ chính trái cây trong vườn đó. Ví dụ, khi đến vườn chuối sẽ được thưởng thức món chuối chín trên cây, chuối sấy, chuối luộc chấm mỡ hành; hoặc đến vườn mít sẽ được thưởng thức rau câu mít, mít sấy khô và nước trà hoa đậu biếc…

Hình thành các điểm đến du lịch trong cộng đồng từ khoảng 5 năm trước, TP.Long Khánh trở thành nơi thu hút du khách vào những tháng mùa trái cây chính rộ (tháng 6-8). Mỗi năm, TP.Long Khánh đều tổ chức lễ hội trái cây vào thời điểm này và được người dân nơi đây xem như lễ hội của địa phương.

Ông Nguyễn Nguyên Vũ, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, TP.Long Khánh có những vườn trái cây độc đáo so với các tỉnh, thành khác bởi sự phong phú, diện tích các vườn khá lớn, được người dân chăm sóc chu đáo nên luôn tạo được sự sạch sẽ, thoáng mát khi dạo chơi trong vườn. Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng, một số điểm vườn trái cây vẫn cần cải thiện tốt hơn về vệ sinh môi trường xung quanh vườn. Đặc biệt là thùng rác phải được đặt rải rác khắp vườn, bởi khi khách vào vườn sẽ bẻ trái cây ăn trực tiếp tại vườn nên sẽ phát sinh nhiều rác. Đối với những du khách gia đình, nhóm học sinh, đó là những bài học thực tế về giáo dục trong môi trường du lịch cho trẻ em. Bên cạnh đó, người nông dân cần tạo sự khác biệt từ những món ăn được chế biến từ trái cây trong vườn để du khách có thêm góc trải nghiệm khác khi đến nhà vườn.

Tạo giá trị bền vững cho du lịch cộng đồng

Đồng Nai có diện tích trái cây lớn của khu vực Đông Nam bộ, hình thành nhiều vùng trồng chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường nên tỉnh đã có những sản phẩm du lịch khai thác từ những giá trị sẵn có trong cộng đồng, đặc biệt là du lịch sinh thái vườn. Thế nhưng, Đồng Nai vẫn chưa có sản phẩm du lịch cộng đồng mang tính bền vững. Du lịch vườn chỉ mạnh vào mùa trái cây, kéo dài khoảng 3 tháng hè. Theo các chuyên gia du lịch, Đồng Nai vẫn còn rất nhiều dư địa du lịch cộng đồng có thể khai thác quanh năm.

Ông Lâm Phi Hùng, Tổ trưởng THT Dịch vụ tham quan vườn Bình Lộc (TP.Long Khánh), chủ vườn trái cây Sáu Hùng chia sẻ, hiện ngoài 3 tháng mùa trái cây chín rộ nhất thu hút rất đông du khách, những tháng còn lại dù có một số loại trái cây khác nhưng du lịch không thu hút được khách đến. Để khai thác được giá trị du lịch quanh năm, nhiều nông dân đang tìm hướng khai thác nhưng vẫn chưa đạt kết quả.

Ông Hùng cho biết thêm: “Bình Lộc mới phát triển du lịch được 4 năm nên còn nhiều khó khăn. Từ khi có du lịch, bộ mặt nông thôn của Bình Lộc có rất nhiều thay đổi, thói quen ứng xử của người dân thay đổi tốt hơn nhiều so với thời chưa làm du lịch. Cảnh quan thiên nhiên, đường giao thông ở Bình Lộc luôn được gìn giữ chỉn chu nhất. Nông dân chúng tôi rất mong muốn phát triển du lịch bền vững để Xuân Lộc trở thành nơi đổi gió lý tưởng nhất cho du khách”.


Du khách tham quan và chụp hình tại vườn chuối xuất khẩu của người dân xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng cho biết, hiện Xuân Lộc có 14/14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đang tiến tới cuối năm 2023, Xuân Lộc sẽ trở thành huyện đầu tiên trong cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Với thành quả từ chương trình NTM, nhiều tuyến đường kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu là tiền đề để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp cho địa phương. Tuy nhiên, hiện nông dân Xuân Lộc làm du lịch mới chỉ dựa trên những giá trị sẵn có, vẫn còn thiếu về kiến thức và kinh nghiệm làm du lịch. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa đặc sắc, thiếu sự kết nối; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế.

Với những thế mạnh về nông nghiệp, nông thôn mà Xuân Lộc đã đạt được, đồng thời từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế, ông Bằng nhấn mạnh, thời gian tới, Xuân Lộc sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, đưa Xuân Lộc trở thành điểm đến du lịch đặc sắc, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch của cả nước và quốc tế.

Nhằm từng bước xây dựng, hoàn thiện các mô hình du lịch cộng đồng tại Đồng Nai, Sở VHTTDL đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (TP.HCM) thực hiện tư vấn. Qua đó, đề xuất xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng trong bối cảnh xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025.

Phó giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, Sở sẽ cùng đơn vị tư vấn khảo sát và chọn một số địa phương trên địa bàn tỉnh có tiềm năng về du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng để tư vấn. Đồng thời, định hướng cho địa phương và các hộ nông dân, cụm dân cư đang khai thác du lịch trên địa bàn tỉnh về mô hình du lịch cộng đồng dựa trên tài nguyên nông nghiệp nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch đa dạng, nổi bật, khác biệt, thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, quá trình tư vấn, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch sẽ theo bộ tiêu chí OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đáp ứng một phần nhu cầu và xu hướng phát triển du lịch.

Ngọc Liên

Báo Đồng Nai điện tử – baodongnai.com.vn