Điện Biên: Du lịch cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa

Du lịch cộng đồng, giao lưu và trải nghiệm các phong tục, tập quán, lễ hội của đồng bào địa phương đã và đang là một sản phẩm du lịch của Điện Biên. Khai thác tiềm năng du lịch gắn với giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc đang là hướng phát triển du lịch ở các địa phương trong cả nước nói chung và Điện Biên nói riêng. Trong định hướng phát triển du lịch, Điện Biên quan tâm khai thác du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn.


Bản Văn hóa du lịch Che Căn nhìn từ trên cao (ảnh Việt Linh). Nguồn: dulichdienbien.vn

Với 19 dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán riêng tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của Điện Biên. Bản sắc văn hóa các dân tộc cùng những lễ hội, phong tục tập quán ở từng địa phương chính là điều tạo nên sức hấp dẫn với khách du lịch. Do đó, cùng với hệ thống di tích lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ, văn hóa truyền thống các dân tộc đã và đang được khai thác, tạo sản phẩm du lịch thu hút du khách đến Điện Biên. Cách đây 20 năm, Điện Biên đã lựa chọn và xây dựng 8 bản văn hóa du lịch, tạo điểm đến cho du khách tìm hiểu đời sống người dân và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Những bản văn hóa Phiêng Lơi, Mển, Him Lam, Co Mỵ… đã trở thành điểm đến tham quan, giao lưu văn hóa văn nghệ của du khách. Gắn liền với các bản văn hóa du lịch là các đội văn nghệ múa xòe, múa sạp vừa biểu diễn phục vụ du khách vừa giúp du khách giao lưu, tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch Điện Biên tìm cách làm mới các sản phẩm để phục hồi và phát triển, thu hút du khách đến với mảnh đất cực Tây Tổ quốc. Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách hiện nay muốn tìm về thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa truyền thống địa phương, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc đã được xác định là một sản phẩm của du lịch Điện Biên. Toàn tỉnh hiện có 12 bản văn hóa du lịch, 6 homestay, 12 điểm tham quan, vui chơi giải trí thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. Các bản văn hóa du lịch đầu tư dịch vụ ăn nghỉ, chỉnh trang làng bản đảm bảo các điều kiện đón du khách tham quan, giao lưu. Mới đây, bản văn hóa Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ đã chỉnh trang hạ tầng, tổ chức dịch vụ ăn nghỉ, thành lập đội văn nghệ thu hút du khách về với bản vùng cao. Khoảng cách từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ vào Nà Sự không gần nhưng đã thu hút lượng du khách không nhỏ đến với Nà Sự. Điểm du lịch Nà Sự thành công nhờ vào sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân khi người dân cả xã, thanh niên trong huyện cùng góp sức tôn tạo cảnh quan, chỉnh trang đường bản, sửa chữa, xây dựng các điểm lưu trú, ẩm thực địa phương để Nà Sự đón khách du lịch.

“Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, xã hội; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch” được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm của du lịch Điện Biên. Khi tới bất kỳ địa phương nào tham quan, du lịch, phần lớn du khách muốn có những trải nghiệm, khám phá phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, di tích lịch sử, làng nghề, ẩm thực và các sản phẩm văn hóa đa dạng, độc đáo khác. Bên cạnh sự hùng vĩ của cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di tích lịch sử, sự khác biệt về bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc đã làm nên sức hấp dẫn với du khách khi đến Điện Biên. Văn hóa truyền thống các dân tộc là nguồn tài nguyên to lớn xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm. Chính vì vậy, xòe Thái đang phát triển mạnh mẽ, xuất hiện ở hầu hết bản văn hóa du lịch tại Điện Biên. Hoạt động múa xòe, nhảy sạp của các đội văn nghệ vừa gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình vừa biểu diễn phục vụ du khách, giúp bà con có nguồn thu nhập, tạo động lực để người dân ý thức hơn trong bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Khai thác, phát triển du lịch cộng đồng bên cạnh sự định hướng, hỗ trợ về chế độ, chính sách cần có sự liên kết giữa các công ty làm du lịch với các bản văn hóa du lịch, tạo tour, tuyến tham quan, hướng dẫn điểm đến cho du khách. Các bản văn hóa du lịch cần thành lập tổ du lịch cộng đồng làm đầu mối, thống nhất hoạt động đón tiếp, điều phối lưu trú, giám sát chất lượng dịch vụ. Đây cũng là bộ phận phối hợp, kết nối với các công ty du lịch, lữ hành để giới thiệu điểm đến; tạo liên kết chặt chẽ giữa các hộ gia đình làm dịch vụ trong bản để điều phối nguồn lợi, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. Phát triển du lịch cộng đồng cần phải gắn với xây dựng nông thôn mới ở các địa phương vừa giữ bản sắc văn hóa vừa phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống người dân. Hiện nay, việc phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương trong tỉnh còn có nguồn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” góp phần tạo thêm lực đẩy cho du lịch cộng đồng.

Định hướng, nguồn lực, cách làm đã có và được triển khai ở một số mô hình, điểm đến du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Người dân đóng vai trò chủ thể quản lý, tổ chức thực hiện và thụ hưởng nên càng có ý thức bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Hiện nay, sự giao lưu, giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ nên càng cần bảo vệ những giá trị văn hóa cốt lõi của đồng bào các dân tộc thiểu số. Và việc phát triển du lịch cộng đồng từ bảo tồn, gìn giữ, khai thác bản sắc văn hóa truyền thống là một giải pháp hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích.

Gia Huy
Báo Điện Biên Phủ online – baodienbienphu.info.vn