Đến Ninh Bình thăm làng nghề Gốm Gia Thủy với tuổi đời hơn 50 năm

Thuộc địa phận huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, làng gốm Gia Thủy là một trong những làng nghề truyền thống vẫn còn tồn tại nơi vùng đất Ninh Bình. Có tuổi đời hơn 50 năm, làng là nơi kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật tạo hình, mang đến những tác phẩm gốm đậm đà giá trị văn hóa đặc sắc dân tộc.

Ninh Bình quả thật rất được ưu ái. Mảnh đất này may mắn sở hữu Quần thể danh thắng Tràng An vốn là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á, hay quần thể Cố đô Hoa Lư– vị chứng nhân lịch sử đã luôn dõi theo bao thăng trầm của ba triều đại phong kiến lớn. Và giờ đây, nơi cố đô ngày trước vẫn còn đó những làng nghề truyền thống đã luôn tồn tại mặc dòng thời gian thoi đưa, và làng gốm Gia Thủy là một trong số ấy. Theo những người nghệ nhân của làng, vốn trước kia làng gốm Gia Thủy có tiền thân là gốm Long Thịnh và đã xuất hiện từ năm 60 của thế kỷ trước. Vào năm 1959, một số thợ gốm sống quanh vùng Thanh Hóa đã di cư về đây, từ đó mở ra một số lò gốm chuyên sản xuất những vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt, chẳng hạn như nồi, niêu, chum, vò, vại đựng nước.

Sở dĩ vùng đất này được lựa chọn làm nơi phát triển nghề gốm truyền thống là bởi vì đất sét ở đây có màu nâu vàng đặc trưng, duy chỉ có vùng đất này mới sở hữu loại đất đặc biệt này mà thôi. Loại đất này có độ kết dính cao, mịn cùng khả năng chịu nhiệt tốt. Bởi thế nên cũng vì lý do ấy mà làng gốm Gia Thủy mới chính thức ra đời và tồn tại mãi cho đến tận ngày nay. Để làm ra được một sản phẩm gốm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trong ảnh: Đất sét được lọc kỹ trước khi đem phơi để làm gốm. Mỗi công đoạn làm gốm yêu cầu người thợ cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận tránh sai sót. Đất sét khi lọc qua nước sẽ được loại bỏ tạp chất, cô đặc rồi đem phơi đủ độ ẩm. Công đoạn phơi đất cần cần thận bởi đất phơi khô quá cũng không làm được gốm mà ướt quá cũng khó làm gốm. Vì thế khi phơi người thợ phải thường xuyên quan sát độ khô ướt của đất. Đất sau khi phơi sẽ được đem vào xưởng sản xuất làm nhuyễn thêm để tạo độ keo và mịn hơn khi nặn. Đất sét làm gốm ở Gia Thủy có màu vàng nên rất tốt khi làm gốm, khi sản phẩm ra lò cũng có độ bền, óng đẹp rất cao.

Tùy theo những loại sản phẩm khác nhau mà các người làm gốm ở làng sẽ nặn đất theo từng mẫu nhất định. Toàn bộ quá trình tạo hình và ghép đều được người thợ thực hiện một cách tỉ mẩn, chậm rãi, cốt để đảm bảo đạt được chất lượng tốt nhất có thể. Đặc biệt hơn, theo những người nghệ nhân trong làng kể lại, gốm Gia Thủy hiện nay là loại duy nhất không tráng men mà để mộc. Gốm khi hoàn thiện các công đoạn nhào nặn sẽ được làm bóng và đem phơi khô. Khi đủ độ khô sẽ được đưa vào lò nung ở nhiệt độ trên 1.000 độ C đủ 3 ngày 3 đêm Lúc này, sản phẩm sẽ hóa thành sành và cứng như thép, dùng để dựng nước, đựng rượu thì phù hợp hơn cả.

Kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật tạo hình, nét đặc trưng nền văn hóa của một vùng đất, nghệ nhân làng gốm Gia Thủy đã biết tạo ra những sản phẩm gốm không chỉ phục vụ cho cuộc sống đời thường mà còn tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Những chiếc bình được tạo ra là sự hòa quyện giữa đất và lửa, nhưng toát lên trên đó là bàn tay tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ của người làng gốm Gia Thủy.Năm 2007, làng gốm Gia Thủy được công nhận là làng nghề truyền thống. Trải qua nhiều năm thăng trầm, đến nay gốm Gia Thủy vẫn đứng vững và càng ngày càng phát triển mạnh. Những sản phẩm gốm Gia Thủy ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Trải qua bao thăng trầm, làng gốm Gia Thủy vẫn luôn tồn tại nơi vùng đất Ninh Bình. Những người thợ lành nghề, tận tụy vẫn ngày đêm tỉ mẩn làm gốm, cốt để đưa những sản phẩm phản ánh rõ nét giá trị văn hóa đến gần hơn với mọi người.

Nguồn: Hồng Hạnh, Ảnh: Xuân Lâm

Trang Thông tin điện tử Trung tâm TTXTDL – Sở du lịch Ninh Bình – dulichninhbinh.com.vn