Để sản phẩm làng nghề Thủ đô vươn xa

Là một trong những địa phương có số lượng làng nghề, làng có nghề lớn nhất cả nước, Hà Nội luôn được đánh giá là “cái nôi” sản xuất ra những sản phẩm làng nghề truyền thống đạt chất lượng cao. Để đưa sản phẩm làng nghề vươn xa hơn nữa, Hà Nội đã và đang tiếp tục có những giải pháp, định hướng thúc đẩy sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ của Thủ đô.

Để sản phẩm làng nghề Thủ đô vươn xa - Ảnh 1.

Hà Nội luôn được đánh giá là “cái nôi” sản xuất ra những sản phẩm làng nghề truyền thống đạt chất lượng cao. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Vùng đất trăm nghề

Hà Nội là Thủ đô có trên một nghìn năm tuổi, vùng đất với bề dày lịch sử truyền thống, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, con người Hà Nội thanh lịch, hào hoa. Hà Nội không chỉ nổi tiếng với những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc, các công trình kiến trúc cảnh quan độc đáo, món ăn nổi tiếng mà còn được biết đến với nhiều làng nghề cùng nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo được tạo ra từ những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, óc sáng tạo phong phú của các nghệ nhân làng nghề, đã quyến rũ hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Các làng nghề truyền thống của Hà Nội có lịch sử hàng trăm năm như: Gốm sứ Bát Tràng hình thành cách đây 600 năm, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh 400 năm, khảm trai Chuôn Ngọ 1.000 năm, xa hơn nữa là làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã ra đời cách đây 1.200 năm…

Được mệnh danh là “vùng đất trăm nghề” với 1.350 làng nghề và làng có nghề, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội đa dạng, phong phú về chủng loại mẫu mã. Thành phố còn có những sản phẩm mang tính riêng biệt, đặc thù như gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Ky, lụa Vạn Phúc, đúc đồng Ngũ Xã, tò he Xuân La, huyện Phú Xuyên…Các sản phẩm làng nghề đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, được các nước, tổ chức, cá nhân đánh giá cao.

Có thể thấy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước, an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân. Song, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn nữa nếu được quan tâm đến kiểu dáng và mẫu mã.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, nhiều năm trước, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi có mẫu mã mới lạ, giá thành hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay sức hấp dẫn của các sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam đang có dấu hiệu bị giảm đi đáng kể, bởi các làng nghề, các nghệ nhân không có sự thay đổi mẫu mã, không đáp ứng kịp nhu cầu của khách hằng ngày về kiểu dáng, mẫu mã.

Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm làng nghề

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội có nhiều làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Gốm sứ, mây tre đan, dệt may, da dầy, Sơn mài, khảm trai, đồ gỗ…

Việc phát triển các sản phẩm xuất khẩu của làng nghề được Hà Nội đặc biệt chú trọng. Bởi, thủ công mỹ nghệ là mặt hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch cao với nhiều thị trường có sức tiêu thụ lớn. Nhiều sản phẩm làng nghề đã được xuất khẩu sang Mỹ, Canada và các nước châu Âu như gốm sứ mỹ nghệ, mây tre đan…

Để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm làng nghề, Sở Công Thương đã tham mưu cho TP. Hà Nội xây dựng định hướng phát triển xuất khẩu từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó, đưa chỉ tiêu có 6-10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3%-5% trong tỷ trọng xuất khẩu của Thành phố.

“Vừa qua, Sở Công Thương đã tổ chức rất nhiều chuỗi sự kiện cho các doanh nghiệp Hà Nội, đặc biệt là các doanh nghiệp làng nghề kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp của nước ngoài như: Singapore, Lào, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan…Từ đó, giúp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội đứng vững trên thị trường trong nước cũng như được xuất khẩu trực tiếp, không thông qua doanh nghiệp trung gian; tạo nên thương hiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội trên thị trường thế giới”, bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) cho biết, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội là nơi các nghệ nhân làng nghề kể lại những câu chuyện thông qua sản phẩm, gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của từng nghề trong suốt chiều dài lịch sử.

Không chỉ làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, độc đáo, để nâng cao chuỗi giá trị, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ làng nghề còn cần phải đầu tư cải tiến mẫu mã để đáp thị hiếu của người tiêu dùng.

Ngoài việc cải tiến mẫu mã, nhiều doanh nghiệp cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nhờ vào thương mại điện tử. Việc đưa hàng thủ công lên nền tảng Thương mại điện tử đem lại nhiều hiệu quả thiết thực như tăng doanh thu, giảm chi phí, quảng bá thương hiệu và tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn, giúp sản phẩm làng nghề vươn xa ra thị trường thế giới.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để phát triển các sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn của làng nghề ở Hà Nội, Hà Nội cần chú trọng đến đào tạo tay nghề và nâng cao chất lượng lao động làng nghề; khuyến khích đổi mới thiết bị, công nghệ trên cơ sở có những cơ chế, chính sách hỗ trợ mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Đồng thời, lập quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho các nghề thủ công; nghiên cứu cải tạo và nâng cao chất lượng, áp dụng các phương pháp tiên tiến để sơ chế và bảo quản nguyên liệu; đẩy mạnh hỗ trợ các làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là các làng nghề truyền thống.

Diệu Anh

Cổng TTĐT Chính phủ/ Tràng thủ đô Hà Nội – thanglong.chinhphu.vn