Chèo thuyền kayak – sản phẩm du lịch hấp dẫn ở huyện vùng cao Đà Bắc. Ảnh chụp tại xã Hiền Lương
Đà Bắc là huyện nằm bên bờ Bắc của sông Đà, nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em: Mường, Tày, Dao, Kinh, Thái. Với cảnh sắc hoang sơ, đậm đà bản sắc văn hoá bản địa, Đà Bắc có tiềm năng lớn để phát triển DLCĐ. Từ năm 2014, với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của tổ chức AOP, mô hình DLCĐ đã được triển khai và mở rộng tại huyện Đà Bắc. Từ một vài hộ gia đình ở xóm Ké, xã Hiền Lương và xóm Đá Bia (nay là xóm Đức Phong), xã Tiền Phong, từ năm 2014 đến nay, cả huyện đã có 13 nhà lưu trú thuộc 4 xóm của 3 xã, với 184 thành viên của 142 hộ gia đình tham gia hoạt động DLCĐ, cung cấp các dịch vụ du lịch, thu hút hơn 16 nghìn lượt khách.
Gia đình chị Lường Thị Thảo, xóm Ké, xã Hiền Lương là một trong những hộ đã phát triển DLCĐ hơn 10 năm. Chị Thảo chia sẻ: Trước khi phát triển du lịch, gia đình gắn bó với nương rẫy, nghề chài lưới ở lòng hồ Hoà Bình. Từ khi phát triển du lịch đến nay, gia đình tập trung làm nghề dịch vụ để phục vụ khách đến tham quan, lưu trú. Các nông sản, tôm cá và đặc sản khác của địa phương trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm một số sản phẩm du lịch mới, như chèo thuyền kayak, tham quan mô hình nuôi cá lồng.
Bà Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty cổ phần DLCĐ Đà Bắc (Đà Bắc CBT) cho biết: Để có thu nhập ổn định và những sản phẩm du lịch đặc sắc, thời gian qua công ty đã tổ chức các hoạt động marketing, phân phối khách, phát triển sản phẩm, quản lý chất lượng và ký kết hợp đồng với các công ty du lịch. Từ năm 2017 đến nay, phát triển DLCĐ đã tạo ra tổng thu nhập hơn 12 tỷ đồng.
Với cảnh sắc hoang sơ, hùng vĩ và nền văn hoá bản địa đặc sắc, mô hình DLCĐ ở huyện vùng cao Đà Bắc đã để lại ấn tượng tốt với du khách trong và ngoài nước. “Khi đến với Đà Bắc, chúng tôi rất ấn tượng bởi cảnh sắc ở vùng lòng hồ Hoà Bình và những bản làng ven hồ. Đặc biệt ẩm thực nơi đây khá độc đáo, hấp dẫn với cá sông Đà và nhiều món ngon khác. Hy vọng sau này khi con đường kết nối giữa huyện Đà Bắc và tỉnh Phú Thọ hoàn thành, chúng tôi sẽ có nhiều dịp đến trải nghiệm du lịch của huyện Đà Bắc”, chị Nguyễn Thị Duyên, du khách đến từ tỉnh Phú Thọ chia sẻ.
Với những hiệu quả đem lại, mô hình phát triển DLCĐ được huyện Đà Bắc xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế – xã hội. Những năm qua, huyện đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Cùng với đó đầu tư hạ tầng cơ sở, nhất là đường giao thông để thúc đẩy phát triển du lịch. Ngoài ra, huyện triển khai các chính sách hỗ trợ người dân trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống; trang bị kỹ năng để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của huyện.
Viết Đào
Báo Hòa Bình – baohoabinh.com.vn