Đắk Lắk: Huyện Cư M’gar phát triển nền nông nghiệp xanh gắn liền với du lịch nông thôn

Huyện Cư M’gar không chỉ là cái nôi văn hóa lịch sử của Đắk Lắk mà còn là miền đất trù phú để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Cư M’gar đã khoác lên mình "chiếc áo mới" với nhiều thành tựu của nền nông nghiệp hiện đại.

Đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Những năm trước đây, ngành nông nghiệp của huyện chủ yếu tập trung vào phát triển theo chiều rộng, khai thác cơ bản quỹ đất để tăng diện tích, tăng chi phí đầu tư để tăng sản lượng nên dẫn đến cung vượt cầu, đầu ra cho sản phẩm gặp khó khăn.

Trước yêu cầu cấp bách phải tái cơ cấu lại ngành, tháng 10/2021, Huyện ủy Cư M’gar đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về “Phát triển nông nghiệp chất lượng cao, bền vững giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030”. Đây được xem là “kim chỉ nam” để ngành nông nghiệp địa phương phát triển bền vững trên cơ sở khai thác hợp lý và có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất…

Vườn dâu gia Thái được trồng ở Vườn nông nghiệp sinh thái Thái Hà

Với những mục tiêu, định hướng, giải pháp cụ thể của Nghị quyết 04, đến nay tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 4,5%; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 20%. Cơ cấu cây trồng từng bước được điều chỉnh theo đúng quy hoạch, diện tích cà phê đã giảm còn khoảng 37.000 ha, sản lượng đạt 84.000 tấn; diện tích cây ăn quả trồng thuần gần 3.000 ha, trong đó cây sầu riêng chiếm 2.850 ha (quy hoạch vùng trồng sầu riêng tập trung đã đạt kế hoạch 1.000 ha).

Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, công nghệ cao, đến nay toàn huyện đã có 104 trang trại chăn nuôi, với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 2,6 triệu con; giá trị chăn nuôi chiếm 23% trong cơ cấu nông nghiệp. Trên địa bàn huyện bước đầu đã hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện Cư M’gar, với quy mô hơn 107,6 ha; Khu tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk, quy mô hơn 45 ha…

Phát huy lợi ích kép “nông nghiệp – du lịch”

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của huyện đã có sự chuyển dịch theo xu hướng phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch. Bà Dương Nữ Thiên An (chủ Farm Rẫy Nhà Si, xã Quảng Tiến) chia sẻ, Cư M’gar là một miền đất rất đẹp, cảnh quan nên thơ, bình yên. Chính vì vậy Rẫy Nhà Si quyết định chọn nơi đây để phát triển cà phê theo hướng mới, đó là nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch.

Với diện tích 3 ha, từ năm 2020 đến nay, Rẫy Nhà Si tập trung vào việc “nâng cấp” hạt cà phê robusta bằng việc tái canh vườn cà phê. Đồng thời, hướng đến việc canh tác theo phương pháp hữu cơ, sản xuất xanh, tuân thủ các tiêu chuẩn UTZ, VietGAP, GlobalGAP nhằm bảo vệ môi trường, cải tạo đất đai, tránh những tác động xấu đến nguồn thổ nhưỡng thiên nhiên.

Các bé mẫu giáo tham gia trải nghiệm các hoạt động thu hái, phơi cà phê tại Farm Rẫy Nhà Si. Ảnh: Thiên An

Vì là “from farm to cup” (từ nông trại đến tách cà phê) nên Rẫy Nhà Si thiết kế đầy đủ các khu vực ngay trong khuôn viên nông trại, từ chế biến, phơi, sản xuất, đóng gói… Ngoài ra, tại đây còn có một vườn cà phê bảo tồn giống, với hơn 20 giống cà phê được lưu giữ và chăm sóc phục vụ cho việc tham quan, học tập, nghiên cứu của khách hàng. Với cách làm này, Rẫy Nhà Si không những giúp khách hàng có những trải nghiệm thú vị khi đến đây mà còn hiểu hơn về sản phẩm cà phê ở từng công đoạn để nâng niu và tin tưởng hơn thương hiệu đang dùng.

Cũng phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch, Vườn nông nghiệp sinh thái Thái Hà (xã Quảng Tiến) đi theo hướng phát triển các loại cây ăn trái đặc trưng. Ông Nguyễn Văn Nhàn, chủ vườn chia sẻ, với diện tích 7 ha, trong đó cây sầu riêng là chủ lực, cùng với nhiều loại trái cây trồng xen kẽ như mít Thái, ổi, cóc, vú sữa… đã tạo được một vườn cây ăn trái rất đa dạng. Những hoạt động trải nghiệm khám phá về nông nghiệp của du khách khi đến thăm vườn như: cùng tham gia chăm sóc, thu hoạch sầu riêng; tìm hiểu các loại cây trong vườn… đã mang lại sự thích thú cho du khách và họ mong muốn quay trở lại nơi này.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar, thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, hiện các mô hình này đang tạo được giá trị kép “nông nghiệp – du lịch” và an sinh xã hội. Việc phát triển du lịch kết hợp với nông nghiệp sinh thái không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh mới mà còn góp phần phát triển bền vững cho địa phương; thúc đẩy phát triển sinh kế hộ gia đình và kinh tế cho cộng đồng…

Minh Thuận

Báo Đắk Lắk – baodaklak.vn