Đắk Lắk có 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao

Sáng 14/8, Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tuyên truyền, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023.

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn; PGS, TS. Trần Văn Ơn, chuyên gia Chương trình OCOP quốc gia và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương; các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh.

ảnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại hội nghị

Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương. Đến nay, Đắk Lắk đã công nhận cho 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao (trong đó có 19 sản phẩm đạt 4 sao, 123 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao) trên địa bàn 57 xã, phường.

Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới…Qua Chương trình OCOP đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên, qua thời gian triển khai cho thấy, quy mô sản phẩm OCOP của các chủ thể còn khiêm tốn, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu tính đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội, đặc sắc để tạo dựng hình ảnh, giá trị thương mại, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm và thương hiệu OCOP của tỉnh.

ảnh

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe PGS, TS. Trần Văn Ơn chia sẻ thông tin về Chương trình OCOP, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển kinh tế khu vực nông thôn; trách nhiệm của hệ thống chính trị trong triển khai Chương trình OCOP; giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2023 – 2025…

Qua đó, xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức kinh tế trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP; những thuận lợi, khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện; các cơ chế, chính sách; công tác kiểm tra, giám sát…

ảnh

Các chủ thể được trao Chứng nhận sản phẩm OCOP tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn khẳng định: Chương trình OCOP tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm về phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”, do đó rất cần đến sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất dành cho Chương trình; sự tự nguyện tham gia của các thành phần kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyên nghiệp hóa, gia tăng giá trị sản phẩm OCOP và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Thông qua hội nghị này sẽ thúc đẩy Chương trình OCOP của tỉnh phát triển đúng hướng, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, góp phần thiết thực vào thành công của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM tỉnh Đắk Lắk, góp phần hoàn thành mục tiêu có 200 sản phẩm OCOP vào năm 2025 và 300 sản phẩm OCOP vào năm 2030.

Nhân dịp này, UBND tỉnh đã trao giấy Chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk năm 2022 cho 45 chủ thể đạt chứng nhận 3 – 4 sao.

Minh Thuận

Báo Đắk Lắk – baodaklak.vn