Nỗi lo mai một
Hiện nay, toàn tỉnh có 605 cơ sở tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn, 97 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao, 21 làng nghề truyền thống chủ yếu sản xuất miến dong, hương, giấy dó, cơ khí nhỏ (nghề rèn đúc), đường phên, đan lát, dệt thổ cẩm, bánh nướng, ngói máng và chạm khắc bạc. Đến nay có 7 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đảm bảo các tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Các làng nghề cơ bản hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn với 1.079 người lao động tham gia, doanh thu của các làng nghề đạt 49,659 tỷ đồng/năm.
Qua đợt khảo sát về tình hình phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy, mặc dù các địa phương có sự quan tâm bảo tồn và phát triển, tuy nhiên việc phát huy hiệu quả hoạt động các làng nghề và làng nghề truyền thống gặp không ít khó khăn. Chị Nông Thị Sằm, một hộ làm giấy bản ở xóm Quốc Dân, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) chia sẻ: Các hộ làm giấy bản chủ yếu là bố mẹ, ông bà gắn bó chứ giới trẻ rất ít, ngoài đi làm ở các công ty không thì xuất khẩu lao động, số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động gắn bó với nghề truyền thống hiện không nhiều.
Một số làng nghề hiện đang rơi vào tình cảnh khó khăn tương tự, tại các nơi có nghề truyền thống hầu như rất ít người trẻ theo nghề, bám nghề mà chủ yếu là người trung niên và cao tuổi, lao động nhàn rỗi, khó tiếp cận và thích ứng trong việc sản xuất ra các sản phẩm mới, khả năng ứng dụng cơ giới hóa hạn chế. Nguyên nhân chính do thu nhập từ nghề truyền thống không cao nên khó thu hút lao động trẻ, một số nghề phát triển sau khi được công nhận nhưng khó tìm nguồn lao động trẻ, chủ yếu là phụ nữ, người già.
Người dân xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) thực hiện công đoạn phơi giấy bản
Một thách thức nữa đặt ra với các làng nghề đó là nguồn nguyên liệu. Đơn cử tại làng nghề làm giấy bản, các hộ gặp khó khăn vì nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn. Mặt khác, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống cũng gặp không ít khó khăn; các làng nghề truyền thống chủ yếu sản xuất các sản phẩm truyền thống, thủ công, đơn điệu, chưa có tính mỹ nghệ, chưa được cơ giới hóa trong khâu xử lý nguyên liệu…
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Tuấn (Hòa An) Hoàng Thị Thư cho biết: Các hộ gia đình làm nghề chủ yếu theo hình thức nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất thủ công, địa phương không có nhiều nguồn lực hỗ trợ, mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ về nhãn hiệu sản phẩm và kết nối doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Bên cạnh đó, rất cần những giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp từ các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn đối với làng nghề để các làng nghề phát triển bền vững, tiếp tục tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Nỗ lực bảo tồn, phát triển
Trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Trung ương, thời gian qua, tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện các chương trình phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tại Kế hoạch số 337/KH-UBND ngày 20/2/2022 về bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2030; Kế hoạch số 2529/KH-UBND ngày 21/9/2021 triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2023 – 2030 trên địa bàn tỉnh để xem xét, thông qua tại Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra trong năm 2024.
Tỉnh thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành tăng cường chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá đúng thực trạng phát triển nghề để có giải pháp phát triển nghề, làng nghề phù hợp. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của phát triển nghề và làng nghề trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm và hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường. Tổ chức các điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm; tổ chức các cuộc thi sáng tạo hàng thủ công mỹ nghệ, bình xét chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, kịp thời khuyến khích, động viên đơn vị, cá nhân có thành tích cao; gắn kết làng nghề với phát triển du lịch, hình thành tuyến du lịch làng nghề; hỗ trợ cơ sở sản xuất, làng nghề, sản phẩm ngành nghề nông thôn xây dựng thương hiệu; tìm kiếm nhà đầu tư, các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa các làng nghề hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nông Thanh Mẫn, để khắc phục những khó khăn trong phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn. Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, xã hội và lao động nông thôn về vai trò của việc phát triển các cơ sở nghề. Phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); chuyển giao ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tập trung đào tạo nghề, truyền nghề và bảo tồn cho các làng nghề…
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Qúy Sơn nhấn mạnh: Các làng nghề cần phải cải tiến, đổi mới mẫu mã, tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng, chất lượng hơn mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm. Có như vậy, các nghề và làng nghề truyền thống mới tồn tại và phát triển ổn định, bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Nông Huế
Báo Cao Bằng – baocaobang.vn