Những năm qua, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt, với những chính sách của các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, từ đó thúc đẩy khai thác du lịch cộng đồng hiệu quả và bền vững.

 

 Xây dựng điểm đến văn hóa các dân tộc

Làng Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 06/9 vừa qua đã góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống của các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội để kết nối các chương trình tour, đưa các đoàn khách đến tham quan tìm hiểu và trải nghiệm những nét đẹp truyền thống của đồng bào vùng cao.

Chị Hồ Thị Ly Na, người dân tộc Pa Cô, trú tại xã Phú Vinh, huyện A Lưới, chia sẻ: “Ở đây, bà con có thể sống lại trong không gian văn hóa đặc sắc của dân tộc Pa Cô của mình, đồng thời cũng có thể tìm hiểu thêm những nét độc đáo của các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn huyện A Lưới. Thực sự tôi rất vui và tự hào khi Làng văn hóa được hoàn thành. Đây là không gian bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao; cũng là giúp góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ về công tác bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị của ông cha”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, tái hiện nét đẹp sinh hoạt trong đời sống thường ngày của các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… tạo điểm nhấn để kết nối du khách đến tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại Làng Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới, góp phần phát triển kinh tế xã hội và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới được đầu tư với tổng mức kinh phí gần 20,8 tỉ đồng, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719). Công trình được xây dựng trên quy mô diện tích 5 ha tại khu bảo tồn sim thuộc xã Hồng Thượng, đến nay đã hoàn thành giai đoạn I với các công trình, hạng mục gồm: Khối nhà sinh hoạt cộng đồng chung; nhà sinh hoạt truyền thống của dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu; đường giao thông, cây xanh, điện chiếu sáng…

Bảo tồn và phát huy văn hóa góp phần giảm nghèo

Huyện A Lưới là địa phương vùng núi, biên giới phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, có quy mô dân số hơn 14.340 hộ/54.402 khẩu. Trong đó, hộ dân đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tới 76,8%, gồm các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Kinh và một vài dân tộc khác nhập cư trong những năm gần đây. Với sự nỗ lực, quyết liệt, triển khai đồng bộ các chính sách và giải pháp thoát nghèo, tháng 7.2024 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận huyện A Lưới thoát nghèo.

Để thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, ngoài công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế, phát triển đời sống văn hóa… huyện A Lưới cũng đã và đang triển khai nhiều chính sách, giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng dựa trên tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Trên địa bàn huyện hiện có 5 làng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã và đang khai thác có hiệu quả. Có thể kể đến như: Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr ở xã Hồng Kim; du lịch cộng đồng ở xã A Roàng; du lịch cộng đồng ở thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm… Cùng với đó, có 24 điểm du lịch đang hoạt động khá tốt; 33 cơ sở lưu trú (trong đó 24 homestay, 9 nhà nghỉ) với công suất trên 800 khách/thời điểm. Các cơ sở du lịch hoạt động đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa, tăng thu nhập cho gia đình và nâng cao đời sống.

Ngành văn hóa huyện A Lưới cũng đã tích cực triển khai công tác sưu tầm, bảo tồn nhiều loại hình di sản văn hóa nhằm góp phần phát huy hiệu quả trong các hoạt động du lịch. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng VHTT huyện A Lưới cho biết: “Thời gian qua, địa phương đã tái hiện gần 30 lễ hội để bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc; nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn trên 200 câu ca dao, tục ngữ, câu đố; 124 món ẩm thực của các dân tộc… Khôi phục, bảo tồn kiến trúc, hoa văn, họa tiết trang trí nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơ Tu tại xã Hồng Hạ. Cùng với đó, đã phối hợp với các đơn vị mở các lớp truyền dạy nghề truyền thống như: Nghề làm gốm, đan lát, điêu khắc tượng, chế tác các loại nhạc cụ truyền thống”.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, thời gian qua, địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách, đề án nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn. Trong đó, tập trung tôn tạo các điểm di tích lịch sử; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch sinh thái; hỗ trợ bà con, thôn bản phát triển homestay, nghề truyền thống như: Dệt Dèng, đan lát, nghề gốm, thủ công mỹ nghệ… Triển khai công tác bảo tồn văn hóa kết hợp phát triển du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và tạo động lực, khuyến khích bà con làm du lịch.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện có nhiều chính sách mà người dân, đồng bào dân tộc thiểu số có thể tiếp cận để làm du lịch. Những chính sách của Trung ương từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Sơn Thùy; ảnh: Hoàng Lê

Báo Văn hóa – baovanhoa.vn