Nhằm đánh giá thực trạng phụ nữ tham gia ứng dụng thương mại điện tử hiện nay ở tỉnh Cà Mau, sáng 20/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Hội LHPN, Sở Công thương tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của phụ nữ với thương mại điện tử trong thời đại chuyển đổi số”.

 

Các đại biểu thảo luận các nội dung về: vai trò, vị thế người phụ nữ thời đại 4.0; cơ hội và thách thức khi phụ nữ tham gia phát triển thương mại điện tử trong thời đại chuyển đổi số hiện nay; hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển thương mại điện tử trong thời đại chuyển đổi số hiện nay của tỉnh; vai trò của phụ nữ trong phát triển thương mại điện từ gắn với chương trình OCOP, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các ý kiến thảo luận đều nhấn mạnh, khi chưa có trang web riêng mà thông qua các trang web thì cần sử dụng đa chiều tất cả các kênh. Nhưng muốn kinh doanh phát triển lâu dài, ổn định cần xây dựng trang web riêng của đơn vị, doanh nghiệp, phát triển trang web riêng để đảm bảo an toàn cho cơ sở sản xuất kinh doanh, đoanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị An Dưỡng, Giám đốc Kinh doanh khối khách hàng tổ chức doanh nghiệp,  VNPT Cà Mau chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến phát triển kinh doanh qua sàn thương mại điện tử

Thời gian gần đây, tại Cà Mau, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, khởi sự kinh doanh, nhạy bén nắm bắt thị trường, tiếp cận công nghệ hiện đại trong thời đại 4.0. Hiện nay, bán hàng online đang bùng phát mạnh mẽ trên nền tảng mạng xã hội như: facebook, zalo, tiktok, các trang thương mại điện tử lớn.

Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau thông tin, để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, các ngành, các cấp đã tích cực tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia vào nền kinh tế số; tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số trong các cấp hội phụ nữ; mở những khoá đào tạo bán hàng online, giúp các hội viên tự tin trước máy quay và các kỹ thuật cần thiết để tham gia thương mại điện tử. Đồng thời, trang bị kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số cho phụ nữ khởi nghiệp; hướng dẫn phụ nữ mở tài khoản thanh toán điện tử; thực hiện cài ứng dụng nền tảng số để đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; vận động hội viên tham gia chợ 4.0; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt… Nhờ đó, các sản phẩm nông sản của phụ nữ được nhiều người biết đến và tiêu thụ với số lượng ngày càng lớn.

Các chủ thể OCOP livestream bán hàng trực tuyến trên nền tảng Tiktok ngay Phiên chợ OCOP 4.0 tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long vừa được tổ chức tại Cà Mau

Ông Mai Hữu Chinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo, đánh giá, các ý kiến thảo luận đã làm rõ về lợi ích của thương mại điện tử. Có thể thấy, trong điều kiện nguồn vốn khởi nghiệp còn hạn chế, hoạt động thương mại điện tử đã góp phần khắc phục khó khăn này, từ đó giải quyết việc làm cho phụ nữ ở địa phương.

“Khi tham gia thương mại điện tử, các chị em cần chú ý về sản lượng hàng hoá, bởi đã qua có nhiều đơn đặt hàng nhưng chị em không dám nhận do không đủ nguồn cung. Chị em nên chú ý về phát triển dịch vụ và ứng dụng công nghệ thông tin sẽ phát triển thương mại điện tử bền vững”, ông Mai Hữu Chinh chia sẻ thêm.

Phúc Duy

Báo Cà Mau Online – baocamau.vn