Cà Mau: Tự tin nâng tầm sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP có mục tiêu nâng cao thu nhập, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho Nhân dân. Tại huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau qua thời gian triển khai thực hiện cho thấy chương trình đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán lạc hậu sang sản xuất phục vụ kinh tế thị trường.

Năm nay xã Phú Thuận chọn sản phẩm đặc trưng là khô cá phi, chả cá phi của Hợp tác xã (HTX) Tân Thuận Thành (ấp Ðất Sét, xã Phú Thuận) để xây dựng sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Giám đốc HTX, cho biết: “Hiện nay, HTX chỉ sản xuất sản phẩm khô cá phi một nắng và khô cá phi, tiêu thụ trong tỉnh. HTX mong muốn, khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai… Hiện nay, mỗi tháng HTX sản xuất từ 200-300 kg sản phẩm, mỗi xã viên có thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng”.

Ðến nay, huyện Phú Tân có 3 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: nước mắm cá cơm Ngọc Trân của HTX Ngọc Trân và ruốc sấy của HTX Hương Biển, thị trấn Cái Ðôi Vàm; chả cá phi của HTX Hưng Hiệp Tiến, xã Tân Hưng Tây.

Nước mắm cá cơm Ngọc Trân của HTX Ngọc Trân là sản phẩm OCOP 3 sao, đang làm thủ tục đăng ký nâng hạng lên 4 sao

Ông Lê Minh Quốc, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Tổ trưởng Tổ tư vấn, giúp việc, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Phú Tân, cho biết: “Huyện hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ tham dự đánh giá, phân hạng sản phẩm đạt chuẩn OCOP năm 2023 đối với 14 sản phẩm đăng ký. Trong đó, có 2 sản phẩm đăng ký nâng hạng lên 4 sao là nước mắm cá cơm Ngọc Trân của HTX Ngọc Trân và chả cá phi của HTX Hưng Hiệp Tiến”.

Tổ trưởng Tổ tư vấn, giúp việc, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Phú Tân vừa tổ chức kiểm tra thực tế HTX Tân Thuận Thành, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, chuyên cung cấp các mặt hàng khô cá phi, chả cá phi, là đơn vị đăng ký sản phẩm OCOP năm nay

Chương trình OCOP giúp tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Trong đó, người dân đóng vai trò chính khi tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua triển khai thực hiện chương trình cho thấy, các địa phương đã tập trung vào thế mạnh, các mô hình, sản phẩm mang lại hiệu quả cao, giúp người dân tự tin phát huy khả năng làm kinh tế./.

Anh Phan

Báo Cà Mau – baocamau.vn