Du lịch xuyên rừng, du khách sẽ được di chuyển trên ca nô hoặc vỏ lãi lướt sóng qua những kênh rạch, ngắm các điểm nuôi hàu lồng trên sông, hiểu hơn về nghề nuôi thuỷ sản của người dân nơi đây. Song song đó, du khách còn được chiêm ngưỡng cảnh đẹp của những cánh rừng đước nguyên sinh hơn 30 năm tuổi và tận hưởng không khí trong lành của gió biển. Ðiểm đến cuối cùng trong hành trình xuyên rừng là khám phá bãi bồi, nơi hàng năm cây mắm lấn dần ra biển. Ðây là điểm lý tưởng để du khách check-in, lưu lại những bức ảnh đẹp cùng người thân, bạn bè.
Tham quan trải nghiệm du lịch sinh thái xuyên rừng bằng ca nô, vỏ lãi là trải nghiệm thú vị cho du khách
Ông Nguyễn Văn Hôn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại – Dịch vụ – Du lịch Hoàng Hôn (Công ty du lịch Hoàng Hôn), huyện Ngọc Hiển, đơn vị được chính quyền địa phương cho phép khai thác tuyến du lịch xuyên rừng, chia sẻ: “Hiện nay, tour tham quan xuyên rừng được du khách yêu thích, số tour và lượng khách tham quan ngày càng tăng lên. Ða phần khách muốn được một lần đặt chân đến mảnh đất cuối trời Tổ quốc, được ngắm hệ sinh thái rừng ngập mặn với đa dạng các loài động, thực vật quý hiếm”.
Cũng theo ông Hôn, tuyến du lịch xuyên rừng VQG Mũi Cà Mau đi vào hoạt động ngày 26/12/2018, đến nay đã đón tiếp gần 50 ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến nghiên cứu, tham quan, trải nghiệm.
Hiện nay, huyện Ngọc Hiển và Công ty Du lịch Hoàng Hôn đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn trên tuyến xuyên rừng; phục dựng lại nhà ba gian không cửa, xây dựng cầu khỉ trong rừng để du khách check-in. Ðồng thời bố trí nhà dừng chân trên tuyến, khu vực bãi bồi đáp ứng nhu cầu du khách nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương.
VQG Mũi Cà Mau và huyện Ngọc Hiển đang định hướng phục dựng nhà ba gian, hoạt động bơi xuồng sinh thái và phục vụ các món ăn cho du khách trên tuyến trải nghiệm xuyên rừng
Tuyến du lịch xuyên rừng VQG Mũi Cà Mau ban đầu khai thác 4 tuyến chính (tuyến ngắn nhất có chiều dài 20 km, tuyến dài nhất có chiều dài 55 km, kể cả lượt đi và về), gồm: tuyến tham quan rừng ngập mặn – bãi bồi; tuyến tham quan khám phá Giếng Trời – rừng nguyên sinh; tuyến tham quan diễn thế rừng tự nhiên – cồn Ông Trang; tuyến tham quan bãi bồi ven biển Ðông – rừng ngập mặn – bãi bồi ven biển Tây. Tuy nhiên, hiện nay Công ty Du lịch Hoàng Hôn chỉ khai thác tuyến tham quan rừng ngập mặn – bãi bồi. Du khách đến tham quan trải nghiệm du lịch xuyên rừng thì thuê ca nô hoặc vỏ lãi tham quan trải nghiệm toàn tuyến.
Mới đây, tại chuyến khảo sát xuyên rừng, ông Tiết Minh Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Trong thời gian tới, huyện cùng với ngành chức năng của tỉnh sẽ tập trung nâng cao các tuyến xuyên rừng; tiếp tục xây dựng phương án mở thêm một số tuyến xuyên rừng mới nhằm phục vụ khách tham quan. Trước mắt sẽ xây dựng nhà dừng chân để du khách ghé quan sát, chiêm ngưỡng phong cảnh trên tuyến. Ðồng thời, chọn một tuyến ngắn bố trí những chiếc xuồng cho du khách tự bơi xuồng trong rừng đước, tạo ra những hoạt động mới để du khách được trải nghiệm. Tại khu bãi bồi, huyện đề xuất ngành chức năng để kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng”.
Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc VQG Mũi Cà Mau, thông tin: “Chúng tôi sẽ khẩn trương hoàn thiện phương án khai thác chính thức các tour tham quan du lịch xuyên rừng có chiều dài, thời lượng, chi phí dịch vụ khác nhau để thu hút, đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của khách du lịch. Ðồng thời, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia khai thác tuyến xuyên rừng, cung ứng dịch vụ đặc trưng của địa phương để du khách được khám phá vẻ đẹp của Ðất Mũi”./.
Hồng My – Chí Hiểu
Báo Cà Mau online – baocamau.com.vn