Bình Phước: Triển vọng kinh tế sinh vật cảnh

Với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, hoạt động hội và phong trào đầu tư, kinh doanh sinh vật cảnh trong tỉnh Bình Phước đang diễn ra khá mạnh mẽ. Hiệu quả từ kinh tế sinh vật cảnh đã mang đến sự đổi thay về diện mạo nông thôn, cũng như phát triển kinh tế và đời sống tinh thần cho người dân.

Hướng đến nông nghiệp đô thị

Từ một thú chơi tao nhã, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa, các loại hình sinh vật cảnh hiện nay trở nên gần gũi hơn với cuộc sống, mang giá trị nghệ thuật và kinh tế cao. Giờ đây, các tác phẩm sinh vật cảnh đã có mặt ở nhiều gia đình, khẳng định tiềm năng kinh tế của mô hình này. Hơn nữa, việc phát triển các mô hình kinh tế sinh vật cảnh còn góp phần chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị.

Mô hình kinh tế sinh vật cảnh ngày càng thu hút nhiều nông dân tham gia 

Thích ứng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những nông dân của thị xã Chơn Thành đang bắt đầu phát triển nông nghiệp theo hướng phục vụ đô thị, lựa chọn những mô hình ít diện tích đất mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, các mô hình kinh tế sinh vật cảnh dần được hình thành. “Mô hình cây cảnh, bon sai không cần phải có đất rộng. Một khoảng sân ở vườn nhà cũng có thể làm được mô hình này, khá phù hợp với xu hướng đất chật người đông hiện nay” – ông Phan Thanh Hùng, phường Minh Long, thị xã Chơn Thành cho biết.

Dần dần số đông người dân thuộc nhiều tầng lớp khác nhau đã bày tỏ sự quan tâm, bước đầu tập hợp thành câu lạc bộ, hội, nhóm để chia sẻ niềm đam mê, kinh nghiệm chăm sóc, kỹ thuật trong nghề và trao đổi, mua bán cây cảnh. “Cũng từ đam mê sinh vật cảnh mà chúng tôi tập hợp, thành lập hội, nhóm, câu lạc bộ rồi xây dựng, phát triển như hôm nay. Chúng tôi ở khu vực thị xã Chơn Thành gần như đã hình thành làng mai, trên dưới cả trăm hộ cùng nhau sản xuất” – ông Phạm Ngọc Danh, phường Hưng Long chia sẻ. Ông Danh là Chủ nhiệm Hội quán Mai vàng ở thị xã Chơn Thành. Từ sau ngày thành lập đến nay, hội quán ngày càng thu hút nhiều thành viên tham gia. Hoạt động của hội quán cũng trở nên bài bản hơn.

“Bình quân doanh thu có thể đạt khoảng 700-800 triệu đồng/ha/năm đối với kinh doanh mai. Từ mô hình hội quán, chúng tôi đang hướng đến xây dựng thành Hợp tác xã Mai vàng của thị xã Chơn Thành. Phát triển thành hợp tác xã thì mới có con dấu và tư cách pháp nhân, thuận lợi hơn trong việc hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế từ sản xuất và các dịch vụ liên quan chứ không đơn giản chỉ là nơi cho các hội viên sinh hoạt và chia sẻ đam mê, kinh nghiệm” – ông Danh nhấn mạnh.

Tiềm năng không giới hạn

Mỗi tác phẩm sinh vật cảnh đều được xem là một tác phẩm nghệ thuật và là đứa con tinh thần thể hiện sự khéo léo của bàn tay, khối óc người chơi. Kinh tế sinh vật cảnh còn được xem là không giới hạn bởi nó tùy thuộc vào thị hiếu của người mua. Đầu tư 1 có thể thu lại 2-3. Vấn đề quan trọng là người làm sinh vật cảnh phải tìm tòi, đổi mới và cạnh tranh không chỉ về mẫu mã mà cả giá thành sản phẩm. Sinh vật cảnh hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế và làm giàu cho người chơi. “Tuy mấy năm nay kinh tế suy giảm nhưng hoạt động sinh vật cảnh cũng tương đối phát triển” – ông Phan Thanh Long, phường Minh Long chia sẻ.

Nghề cây cảnh mang lại thu nhập ổn định cho lao động nông thôn

Hiện nay, nhiều nhà vườn, nghệ nhân, nông dân đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc trồng xen các loại sinh vật cảnh để tạo thêm thu nhập. Việc phát triển các mô hình sinh vật cảnh không chỉ giúp mang lại thu nhập từ sản xuất dịch vụ sinh vật cảnh mà còn tạo điều kiện và tiền đề để nâng cao kỹ thuật trong lao động. Số người tham gia sản xuất sinh vật cảnh đã chuyển dịch dần từ người cao tuổi sang lao động trẻ, độ tuổi từ 20-40, tạo việc làm ổn định cho một bộ phận không nhỏ lao động khu vực nông thôn.

“Khi thu nhập của người dân tăng thì nhu cầu về tinh thần cũng sẽ cao. Những năm qua, nghề cây cảnh ở thị xã Chơn Thành phát triển khá ổn định, không chỉ là cây cảnh cho các hộ gia đình mà còn liên quan đến cây xanh công trình. Trên cơ sở đó, Hội Nông dân thị xã đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề liên quan đến cây cảnh, bon sai do chính các thành viên trong Hội quán Mai vàng tham gia đào tạo, tạo ra hướng đi mới về việc làm cho người lao động của thị xã” – bà Nguyễn Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Chơn Thành cho biết.

 

 

Mô hình trồng mai vàng phát triển bài bản ở thị xã Chơn Thành

Với lợi thế về vị trí địa lý và diện tích đất, những nông dân gắn bó với nghề sinh vật cảnh của thị xã Chơn Thành đang hướng đến xây dựng vùng chuyên canh mai vàng mang thương hiệu Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sinh vật cảnh, mở ra hướng làm giàu mới, chính đáng cho nhiều hộ dân, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về văn hóa, thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trong quá trình xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Thu Thảo

Báo Bình Phước Online – baobinhphuoc.com.vn