Bình Định: Bảo tồn rùa biển gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Những năm gần đây, công tác bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm đã được tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng ngư dân. Nhận thức của cộng đồng ven biển Bình Định nói chung và làng chài Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) nói riêng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo tồn rùa biển, đã tăng lên rõ rệt. Trong đó có việc bảo tồn tốt bãi đẻ rùa biển, góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.

Bãi đẻ ưa thích của rùa biển

Theo khảo sát của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vào năm 2010, Bình Định có các bãi rùa đẻ phân bố tại một số xã ven biển và đảo, trong đó xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) có 2 địa điểm là bãi Hải Giang và bãi Hòn Khô. Tuy nhiên từ năm 2021 tại Nhơn Hải đã xuất hiện một bãi đẻ mới thứ 3 của rùa biển – đó là bãi biển trước khu dân cư của xã.

Tổ chức cộng đồng (TCCĐ) bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải cho biết, năm 2024, trong vòng chưa đầy nửa tháng đã có 2 lượt rùa biển lên bãi biển trước khu dân cư của xã Nhơn Hải để đẻ trứng với tổng số trứng là 205 quả (đêm 21.5 đẻ 103 trứng, đêm 2.6 đẻ 102 trứng). Cá thể rùa mẹ này dài 0,94 m, chiều rộng mai rùa

0,86 m, ước nặng hơn 90 kg, thuộc loài Rùa Xanh, Vích (Chelonia mydas) – thuộc nhóm “đang bị đe dọa” theo phân loại của IUCN, phụ lục I của công ước CITES về cấm buôn bán vận chuyển quốc tế.

Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên TCCĐ bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải cho biết, cả hai ổ trứng rùa đều ở gần mép nước nên anh và các thành viên TCCĐ nhanh chóng di dời đến nơi an toàn, cách mép biển 70 m, tại khu vực khoanh vùng bảo vệ bãi đẻ rùa biển. “Rút kinh nghiệm lần trước, trước khi hỗ trợ rùa mẹ trở lại biển, lần này TCCĐ xã Nhơn Hải đã bấm thẻ đeo cho rùa biển với số hiệu VN 1078 để thuận tiện theo dõi và bảo vệ rùa mẹ trong mùa sinh sản”, anh Sáng thông tin thêm.

Được biết năm 2021, liên tiếp từ tháng 6 – 9, bãi biển xã Nhơn Hải có 5 lượt rùa biển lên bờ đẻ tổng cộng 476 quả trứng. TCCĐ bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải đã tham gia bảo vệ. Kết quả có 3/5 ổ trứng đã nở thành công, tỷ lệ nở đạt 54% với 150 cá thể rùa con về biển an toàn.

Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải đang bảo vệ rùa mẹ và ổ trứng sau khi rùa biển đẻ trứng vào đêm 2.6.2024. Ảnh: Ngọc Nhuận

Tạo sản phẩm du lịch độc lạ

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết, sau gần 3 năm (kể từ năm 2021), rùa biển quay lại đẻ trứng tại bãi biển trước khu dân cư xã Nhơn Hải, bà con nhân dân ở địa phương vô cùng phấn khởi.

Để bảo tồn bãi đẻ rùa biển, hiện nay UBND xã đã duy trì công tác bảo vệ rùa khi rùa lên sinh sản ở bãi biển của xã, khoanh vùng bảo vệ bãi đẻ rùa biển tại mũi Cồn, thuộc thôn Hải Đông với diện tích khoảng 1.000 m2. Đồng thời, trong thời gian tới xã tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân khi phát hiện rùa lên bãi thì báo cáo kịp thời cho chính quyền và TCCĐ để bảo vệ rùa đẻ. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo bảo vệ cho ổ trứng đến lúc nở thành công (khoảng 60 – 75 ngày tùy theo điều kiện thời tiết và nhiệt độ).

Xã bán đảo Nhơn Hải được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng. Ở đây có nhiều rạn san hô và thảm rong tảo- cỏ biển, các loại cá rạn, tôm hùm, nhím biển, sao biển… Hơn thế, đây cũng là nơi xuất hiện loài rùa biển đến kiếm ăn, lên bãi đẻ trứng. Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đề án phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn đến năm 2025. Theo đề án, tỉnh hướng đến việc xây dựng thương hiệu “Du lịch cộng đồng xã Nhơn Hải” gắn với các yếu tố cảnh quan thiên nhiên độc đáo và văn hóa làng chài để thu hút khách du lịch.

Tại Nhơn Hải sẽ có 5 loại hình sản phẩm du lịch gồm: Du lịch sinh thái biển; du lịch trải nghiệm văn hóa; du lịch vui chơi giải trí, thể thao trên biển; du lịch ẩm thực; du lịch mua sắm, ban đêm. Trong đó, du lịch sinh thái biển gồm có các hoạt động như, lặn ngắm san hô; ngắm bãi đá rêu xanh, cánh đồng rong mơ, bãi rùa đẻ trứng; con đường xuyên biển; tham quan gành Bắc, gành Nam, Hòn Khô; tắm biển, ngắn cảnh quan.

Tham quan bãi đẻ rùa biển là một trong những loại hình du lịch sinh thái biển được tỉnh quan tâm định hướng phát triển và đã đưa vào nhiệm vụ quy hoạch khu vực bảo tồn bãi đẻ rùa biển gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã.

Hiện tượng rùa biển quay trở lại và đẻ trứng tại bãi biển xã Nhơn Hải cho thấy những dấu hiệu tích cực trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cộng đồng và chính quyền địa phương, thể hiện ý thức bảo tồn thiên nhiên nói chung và rùa biển nói riêng đã được lan tỏa tích cực trong cộng đồng tại Bình Định.

“Khu vực rùa đẻ trứng gần với khu dân cư nên địa phương cần tạo môi trường thuận lợi cho rùa đẻ trứng. Các loài rùa biển thường đến bờ làm ổ vào ban đêm. Mặc dù khả năng nhìn của rùa biển rất kém khi ra khỏi môi trường nước, rùa biển cái trưởng thành vẫn có thể phân biệt được sự chuyển động và ánh sáng. Do đó, các tác động từ môi trường có thể làm chúng bị gián đoạn quá trình đẻ trứng. Cách tốt nhất để tránh tác động đến quá trình đẻ trứng của rùa là không sử dụng đèn pin hoặc đèn flash máy ảnh/video khi ở trên bãi biển vào ban đêm. Nếu bắt buộc phải sử dụng đèn, hãy đặt một miếng lọc màu đỏ trên đèn pin, vì mắt của rùa biển ít nhạy cảm với các bước sóng ánh sáng dài (lớn hơn 600 nm, màu đỏ). Nếu nhìn thấy một con rùa cái sắp lên bờ, ngay lập tức tắt tất cả các đèn và không di chuyển. Chờ cho đến khi rùa đã di chuyển lên bãi biển và đã bắt đầu đào cát”.
Bà Bùi Thị Thu Hiền – chuyên gia bảo tồn rùa biển của IUCN

Ái Trinh

Báo Bình Định – baobinhdinh.vn