Quy trình sản xuất bánh chưng Đồng Cò của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Chín (khu 4, xã Bảo Thanh, huyện Phù Ninh)
Đồng Cò vốn là tên gọi cũ của khu hành chính số 4, xã Bảo Thanh. Khi quyết định lựa chọn tên gọi cho sản phẩm OCOP của xã, lãnh đạo xã cùng với hộ kinh doanh đã trăn trở với nhiều tên gọi. Mong muốn tên sản phẩm truyền tải được nét dung dị, thân thuộc của thôn quê nên mọi người thống nhất đặt tên là bánh chưng Đồng Cò.
Bánh chưng Đồng Cò được gói từ gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh hạt to mẩy, thịt ba chỉ đầu giòn cùng với lá dong trồng ở địa phương. Một ngày làm việc của gia đình chị Chín bắt đầu từ 3h sáng. Từ lúc gà gáy tinh mơ, mỗi người một công đoạn từ rửa lá, đãi gạo, vo đỗ, thái thịt đến gói bánh, buộc lạt, dán tem khi hoàn thiện đều được thực hiện thuần thục.
Vừa thoăn thoắt gói bánh, chị Nguyễn Thị Chín vừa vui mừng chia sẻ: “Những ngày giáp Tết âm lịch, số lượng bánh đặt lên đến hai nghìn cái/ngày. Nhân công lúc đó phải có chục người, nồi bánh sôi sục suốt ngày đêm mới đủ bánh đi giao cho các mối đã đặt trước”.
Gạo nếp cái hoa vàng và đỗ xanh hạt to mẩy là nguyên liệu chính để làm nên hương vị bánh chưng
Mười năm làm nghề gói bánh chưng là mười năm tự đúc rút kinh nghiệm để bánh trở nên ngon hơn, nhận được sự ưa chuộng của người dân, không chỉ trong tỉnh mà còn các tỉnh lân cận. Bánh không chỉ xanh dền, nhân đầy đặn, vị bánh vừa vặn, giá cá phải chăng, phù hợp túi tiền người tiêu dùng. Bánh chưng vuông có giá dao động từ 30.000 đồng – 50.000 đồng/ cái, bánh chưng dài có giá dao động từ 35.000 – 55.000 đồng/ cái. Với uy tín, chất lượng, sản phẩm bánh chưng Đồng Cò đã được công nhận là sản phẩm OCOP ba sao.
Chị Nguyễn Thị Chín – chủ hộ kinh doanh làm ra sản phẩm bánh chưng Đồng Cò
Chặng đường đưa bánh chưng Đồng Cò từ “nông hiệu” thuần túy trở thành “thương hiệu” của Bảo Thanh cũng ẩn chứa nhiều trăn trở của lãnh đạo xã. Đồng chí Cao Xuân Trường – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hai năm là khoảng thời gian mà cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc để xây dựng sản phẩm OCOP của xã Bảo Thanh. Với đặc thù vùng đất giữa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc tìm ra sản phẩm, vận động người dân tham gia chương trình là điều không dễ dàng”.
Sản phẩm bánh chưng Đồng Cò
Không chỉ tìm được sản phẩm chất lượng, đã trải qua thời gian thử thách trên thị trường và được khách hàng đón nhận, vấn đề thay đổi nhận thức của người dân về việc tham gia chương trình phát triển kinh tế của địa phương cũng đòi hỏi nỗ lực rất nhiều. Những người nông dân thuần túy trước nay chỉ bán sản phẩm cho tệp khách hàng nông thôn, thị trường đa phần ở những phiên chợ, kênh phân phối chủ yếu là thông qua khách hàng thân quen. Tuy nhiên, sau nhiều lần được lãnh đạo chính quyền địa phương tuyên truyền, thuyết phục các hộ đã chủ động thay đổi để xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm.
Giờ đây, trước khi được chuyển đi tiêu thụ, bánh chưng thành phẩm sẽ được dán thêm tem mác chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, đúc trong những túi giấy để làm quà. Sản phẩm được “mặc áo mới” hứa hẹn sẽ mang thương hiệu Đồng Cò, Bảo Thanh đến với đông đảo người tiêu dùng trong cả nước.
Thùy Trang
Báo Phú Thọ – baophutho.vn