Bắc Ninh: Tháo gỡ khó khăn trong gia hạn, tái công nhận sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (chươg trình OCOP) tỉnh Bắc Ninh được triển khai từ năm 2019 đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương về đặc sản, làng nghề gắn với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, giúp gia tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP thực sự phát huy giá trị, vươn tầm hơn nữa cần tháo gỡ một số nút thắt trong gia hạn, tái công nhận sản phẩm.


Tảo xoắn Spirulina của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Bảo Khang được công nhận chất lượng 4 sao sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh, sau 3 năm sẽ phải gia hạn, tái công nhận.

Là chương trình kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển nội sinh để nâng cao giá trị cho sản phẩm địa phương, sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cấp, ngành và các chủ thể, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP chất lượng tốt, được thị trường đón nhận. Báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), số lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh được công nhận gia tăng qua các năm; tính hoàn thiện từ chất lượng đến mẫu mã, bao bì sản phẩm ngày càng cao, chủng loại sản phẩm đa dạng. Cụ thể, toàn tỉnh đã công nhận 167 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: 108 sản phẩm đạt 3 sao (chiếm 64,7%), 59 sản phẩm đạt 4 sao (chiếm 35,3%); 75 chủ thể có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, gồm 19 chủ thể là HTX (chiếm 25,3%), 18 chủ thể là doanh nghiệp (chiếm 24%), 38 chủ thể là hộ gia đình đăng ký kinh doanh (chiếm 50,7 %). Về cơ cấu sản phẩm theo nhóm: 104 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm (chiếm 62,3%), 45 sản phẩm thuộc nhóm hàng thủ công mỹ nghệ (chiếm 26,9%), 15 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống (chiếm 8,9%), còn lại là các sản phẩm khác. Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn, như: Làng nghề truyền thống gốm Phù Lãng, mây tre đan Xuân Hội, Đúc đồng Đại Bái, nem bùi Ninh Xá… vùng trồng khoai tây Quế Võ, tỏi An Thịnh, Măng tây xanh Gia Bình…

Theo ông Lưu Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn: Các sản phẩm OCOP của tỉnh cơ bản phát huy tốt giá trị trên thị trường. Qua thực hiện chương trình, các chủ thể sản phẩm đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ…); điều kiện an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định. Đồng thời, phát huy sức mạnh cộng đồng, lợi thế của địa phương trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, việc làm ổn định, tăng thu nhập của người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý…

Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận, nhưng trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình OCOP vẫn còn những nút thắt, vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, sản phẩm OCOP được công nhận sau 3 năm sẽ hết hạn, muốn được công nhận lại, chủ thể phải làm hồ sơ, thủ tục đề nghị như lần công nhận trước, gây tốn kém chi phí, thời gian, công sức của các chủ thể có sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Tỉnh, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Bảo Khang: Để hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận một sản phẩm OCOP, công ty phải chi phí khoảng 12-15 triệu đồng cho đơn vị tư vấn, do vậy chúng tôi đề nghị đơn giản hoá thủ tục gia hạn, tái công nhận sản phẩm, nếu không sẽ ảnh hưởng đến số lượng sản phẩm OCOP do nhiều chủ thể không mặn mà với việc gia hạn, tái công nhận. Thống kê, thời điểm cuối năm 2023, trong số 167 sản phẩm đã được công nhận, hiện chỉ có 145 sản phẩm  còn thời hạn chứng nhận, trong đó 31 sản phẩm OCOP 4 sao, 114 sản phẩm OCOP 3 sao.  

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 200 sản phẩm OCOP, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 25 sản phẩm OCOP được công nhận…tạo thu nhập cho người lao động tại địa phương. Tỉnh cũng chủ trương xây dựng 3 mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với hình thành phát triển chuỗi sản phẩm OCOP, đó là: Mô hình sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể tại khu Viêm Xá (phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh); du lịch trải nghiệm thực tế nghề gốm Phù Lãng (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ); du lịch trải nghiệm thực tế nghề làm tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành). Để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài việc phát triển công nhận các sản phẩm mới, việc gia hạn, tái công nhận các sản phẩm đã hết hạn cũng rất quan trọng, do vậy đề nghị ngành Nông nghiệp chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế, giải pháp đơn giản hoá thủ tục, hồ sơ, tạo thuận lợi cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đã hết thời gian gia hạn, tái công nhận sản phẩm.

Nguyễn Tuấn
Báo Bắc Ninh – baobacninh.com.vn