Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể và tham gia chương trình OCOP giúp tạo vị thế riêng cho sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của thị xã Quế Võ
Là một trong những món ăn dân dã mang đậm hương vị truyền thống, món dưa gang muối của thị xã QuếVõ được nhiều người biết đến và trở thành món quà quê ý nghĩa. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu dưa gang muối Quế Võ đã và đang được các đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện. Nếu như trước kia cả thị xã chỉ có 5-10 ha trồng dưa và chỉ trồng trong vụ xuân thì nay diện tích đã tăng lên 23 ha, được trồng cả vụ xuân và hè thu. Diện tích trồng dưa tập trung tại các địa phương như: Việt Hùng, Bằng An, Phố Mới, Đại Xuân, Quế Tân. Thu nhập từ trồng dưa gang đạt từ 8-9 triệu đồng/sào, tăng lên từ 2-3 lần nếu chế biến dua gang tươi thành dưa gang muối. Năm 2022, dưa gang muối là 1 trong số 11 sản phẩm được được UBND tỉnh phê duyệt xây dựng thương hiệu theo Đề án 239. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp và UBND thị xã Quế Võ triển khai việc xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm dưa gang muối Quế Võ với hình thức bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận. Qua đó góp phần tạo cơ hội cho tổ chức, cá nhân tiếp cận kết nối cung cầu, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm.
Để tạo vị thế, nâng tầm chất lượng cho các sản phẩm tiêu biểu mang đặc trưng của địa phương, thị xã phối hợp các sở ngành và cơ quan chức năng triển khai đăng ký, quản lý, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống gồm: nhãn hiệu chứng nhận Gạo tẻ thơm Quế Võ, nhãn hiệu tập thể Gốm Phù Lãng và khoai tây Quế Võ. Thực tế khẳng định đây là hướng đi đúng, góp phần nâng tầm phát triển của sản phẩm. Các sản phẩm sau khi được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dần khẳng định được vị thế, có chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Bên cạnh đó, thị xã Quế Võ tích cực triển khai có hiệu quả chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP). Đến nay, toàn thị xã có 31 sản phẩm OCOP, trong đó có 19 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP đều là những sản phẩm chủ lực, đã phát huy tốt giá trị trên thị trường, trong đó đã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cung ứng ra nhiều thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu sang một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…Nhờ đẩy mạnh các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, thị xã; các hoạt động quảng bá, liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, năm 2023 giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 1 ha canh tác đạt 144,2 triệu đồng (tăng 1,3% so giai đoạn 2020-2022).
Ông Nguyễn Bá Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Quế Võ cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất và chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp góp phần nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm, thị xã Quế Võ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô và phương thức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy các sản phẩm có thế mạnh của địa phương để xây dựng thương hiệu giúp người nông dân nâng cao giá trị thu nhập trong lĩnh vực sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP từ các sản phẩm làng nghề và đặc sản truyền thống; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Triển khai các giải pháp để duy trì và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm của địa phương; nâng cao trách nhiệm của chủ thể trong việc gìn giữ chất lượng, nâng tầm sản phẩm, không ngừng đầu tư, nâng sao, nâng hạng cho sản phẩm OCOP.