Bắc Ninh: Nâng tầm phát triển làng nghề nhờ du lịch

Nhiều năm qua, việc phát triển làng nghề truyền thống trong tỉnh Bắc Ninh đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Nhất là, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Nhiều dư địa phát triển

Sau nhiều năm gìn giữ và phát triển, nghề làm gốm mỹ nghệ Phù Lãng (Quế Võ) được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống năm 2021 (Quyết định số 310/QĐ-UBND, ngày 09/9/2021), đây là nền tảng để làng nghề tiếp tục phát huy tiềm năng để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Trải qua thời gian, bằng bàn tay khéo léo, người dân làng nghề đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, mang đậm sắc thái văn hóa địa phương. Hiện tại, làng gốm Phù Lãng có 250 hộ làm gốm, chiếm gần 30% tổng số hộ trong khu vực làng nghề. Theo tính toán, mỗi năm, làng nghề sản xuất và cung cấp cho thị trường hàng triệu sản phẩm gốm các loại, đem lại doanh thu hơn 100 tỷ đồng, thu nhập bình quân ước đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng. Sự phát triển của làng nghề gốm có những đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Để thích ứng linh hoạt với thị trường, từ cách thức làm nón truyền thống, người dân đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cho sản phẩm hàng hóa và phục vụ du khách. Từ năm 2019, tại làng nghề đã hình thành một số cơ sở vừa sản xuất gốm gắn với du lịch trải nghiệm, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan du lịch kết hợp thực hiện một số công đoạn trong sản xuất gốm. Khi gắn kết với du lịch, gốm mỹ nghệ trở thành món quà lưu niệm ý nghĩa cho du khách bốn phương.

Thống kê trên địa bàn tỉnh hiện có 65 làng nghề, trong đó có 41 làng nghề truyền thống; ngoài ra, còn 32 thôn, khu phố có nghề truyền thống (số hộ làm nghề dưới 20% tổng số hộ trên địa bàn) tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Nhiều làng nghề có lịch sử hình thành lâu đời, nhiều sản phẩm nổi tiếng được du khách gần xa biết đến, như đồ đồng mỹ nghệ Đại Bái, tre trúc Xuân Lai (Gia Bình); mộc Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc, Tam Sơn (thành phố Từ Sơn); nghề đồ gỗ Khúc Xuyên, Khúc Toại (phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh); mây tre đan Xuân Hội (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du)… Mỗi sản phẩm làng nghề không chỉ là hàng hóa thông thường mà còn là nơi gửi gắm tâm hồn, tài năng, thể hiện khiếu thẩm mỹ, kết tinh sự sáng tạo, tinh thần lao động của người làm nghề. Khách du lịch đến với làng nghề không chỉ để tham quan các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh mà trên hết là để thưởng thức tinh hoa nghề của những người thợ thủ công với bàn tay khéo léo, sáng tạo…, từ đó tìm hiểu và khám phá các giá trị truyền thống. Đây là điều kiện thuận lợi để gắn kết, phát triển làng nghề gắn với du lịch.


Làng nghề gốm Phù Lãng còn nhiều tiềm năng phát triển gắn với du lịch

Bên cạnh đó, khi khách du lịch đến với làng nghề có thể trải nghiệm, tham gia vào quá trình sản xuất, vào một số công đoạn chế tác sản phẩm, hiểu thêm về văn hóa làng nghề. Cụ thể như nghề tranh Đông Hồ những năm gần đây cũng đã được phổ biến không chỉ trong nước và quốc tế, thu hút khách du lịch đến thăm và mua tranh. Điển hình như Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh cũng gia đình đã có nhiều cố gắng trong việc quảng bá hình ảnh của làng tranh tới nhiều du khách. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh thường xuyên phối hợp với các đơn vị lữ hành, quảng bá trên các trang mạng xã hội… đón khách về tham quan, chiêm ngưỡng dòng tranh truyền thống, được khám phá chân thực cách thức làm tranh cổ truyền. Nhờ vậy, dòng tranh Đông Hồ được duy trì và phát triển thông qua việc hướng dẫn du khách tới thăm làng tranh, nghiên cứu quy trình tạo màu, các bản khắc cổ và dạy vẽ tranh…

Thực tế, từ năm 2010, các cơ quan chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thí điểm du lịch cộng đồng tại 3 làng nghề truyền thống của Bắc Ninh là làng quan họ Diềm Xá (thành phố Bắc Ninh), gốm Phù Lãng (Quế Võ), tương Đình Tổ (Thuận Thành). Từ chương trình thí điểm này, các làng nghề được duy trì và phát triển, nhiều du khách biết đến. Kết quả này là do định hướng phát triển du lịch gắn kết với làng nghề truyền thống được triển khai. Đồng thời, mỗi người dân làm nghề tranh nơi đây cũng tích cực tự quảng bá hình ảnh của làng nghề truyền thống quê hương.

Còn nhiều việc cần làm


Các em học sinh trải nghiệm các công đoạn làm tranh dân gian tại làng tranh Đông Hồ

Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, như kiến thức, kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn… còn thấp. Công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề còn yếu; thiếu gắn kết giữa chính quyền địa phương, người dân với các doanh nghiệp lữ hành. Nguồn kinh phí dành cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều… Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường và năng lực của đội ngũ quản lý Nhà nước về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế cũng là một trở ngại lớn để phát triển du lịch làng nghề truyền thống.

Thời gian tới, để việc phát triển làng nghề gắn với du lịch, thiết nghĩ, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm về phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống; tăng cường đào tạo kỹ năng hướng dẫn du lịch cho người dân làng nghề. Tạo sự liên kết phát triển du lịch chặt chẽ giữa các ngành chức năng với các công ty lữ hành trong và ngoài nước. Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo đảm môi trường cho các khu, điểm du lịch. Việc định hướng phát triển du lịch dựa trên khai thác giá trị nông nghiệp, nông thôn, nhất là phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống; sản phẩm du lịch cộng đồng; mô hình liên kết chuỗi du lịch – nông nghiệp; kết nối giữa làng nghề với lễ hội và di tích lịch sử, hình thành các tour du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm… sẽ đem lại lợi ích lớn, vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

Yến Ngọc
Báo Bắc Ninh online – baobacninh.com.vn