Với những giá trị văn hóa độc đáo, nhiều làng Chăm ở An Giang đang thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, nhất là khách du lịch nước ngoài. Trong đó, du lịch văn hóa Chăm thu hút sự quan tâm rất lớn của du khách.


Nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống ở ấp Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu

UBND tỉnh An Giang, vừa có Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh An Giang (Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” và Tiểu dự án 3 Dự án 10) năm 2023. Mục đích là khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng đào tạo cán bộ văn hóa, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh An Giang.

Với những nét văn hóa độc đáo, ngày 06/3/2023 nghề thủ công truyền thống nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) đã vinh dự được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mới đây, tỉnh An Giang đã tổ chức tập huấn, truyền dạy và nâng cao năng lực bảo tồn nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm ở xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) nhằm triển khai hiệu quả Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Ông Mohamad ở ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) cho biết, ngoài hai sản phẩm truyền thống là xà rông và khăn rằn, cơ sở còn sản xuất các mặt hàng mới, như túi xách, ba lô, nón, móc khóa… Đây là những mặt hàng được du khách ưa thích, nhất là khách nước ngoài lựa chọn mua làm đồ lưu niệm trong mỗi chuyến du lịch, tham quan làng nghề. Giá các sản phẩm này khá bình dân, từ 20.000 – 200.000 đồng/sản phẩm. “Hiện nay thiết bị tiên tiến để việc sản xuất sản phẩm thổ cẩm được tiện lợi, nhanh chóng hơn. Nhưng tôi vẫn giữ lại nghề dệt truyền thống như một cách giữ gìn những giá trị văn hóa của người Chăm, dù cho sản phẩm có giá thành cao hơn so với dùng máy. Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở xã Châu Phong dù không còn hưng thịnh, nhưng vẫn được giữ gìn và phát triển bởi những người nặng lòng với giá trị truyền thống”, ông Mohamad nói.


Ông Mohamad bài trí không gian thổ cẩm của đồng bào Chăm

Chị Trần Kim Huệ, du khách đến từ TP.HCM chia sẻ: “Đây là một trải nghiệm du lịch đáng nhớ của tôi. Tôi chưa từng nghĩ du lịch làng nghề lại thú vị đến vậy. Không chỉ khám phá văn hóa độc đáo của người Chăm, tôi còn mua được rất nhiều sản phẩm thổ cẩm về làm quà cho gia đình và bạn bè”.

Bà Võ Thụy Ý Như, Chủ tịch UBND xã Châu Phong cho biết, những năm gần đây nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở xã Châu Phong nói chung, cơ sở của ông Mohamad nói riêng đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách. Để tăng sự trải nghiệm, ông Mohamad cho phục dựng phòng cưới theo phong cách truyền thống Chăm để du khách, đặc biệt là những cặp đôi chụp ảnh lưu niệm. “Bên cạnh đó, trong những lần đón tiếp khách tham quan, ngoài giới thiệu sản phẩm, ông Mohamad còn giới thiệu về lịch sử làng nghề, những giá trị đặc trưng về văn hóa, đời sống của cộng đồng dân tộc Chăm An Giang đến với du khách. Ông còn liên kết với một số đầu bếp tại địa phương, phục vụ một số món ăn đặc trưng của người Chăm như cà ri, lạp xưởng bò, các loại bánh tráng miệng. Nhờ sự kết hợp phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với hoạt động du lịch, dịch vụ đang là hướng đi mới ở các làng Chăm Châu Phong và sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống Phũm Xoài đạt OCOP 3 sao”, bà Như Ý thông tin.

Còn ở làng Chăm Đa Phước (huyện An Phú) từ sau khi được hỗ trợ tham gia các mô hình du lịch cộng đồng, cuộc sống của người Chăm được nâng lên rõ rệt. Ông Ysa, người dân làng Chăm Đa Phước chia sẻ: “Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống chủ yếu phục vụ cho cộng đồng Chăm thì nay trở thành sản phẩm du lịch, được du khách ưa chuộng. Tương tự, các món ăn truyền thống của người Chăm An Giang như lạp xưởng bò, cà ri cơm nị, bánh bò nướng… trở thành đặc sản phục vụ du khách. Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống chẳng những giúp đồng bào Chăm có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn giúp bà con nơi đây mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp”.

Với sự hưởng ứng tích cực của các làng Chăm An Giang, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, tin rằng trong thời gian tới với tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng những giá trị văn hóa độc đáo, nơi đây sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách khi về tham quan, trải nghiệm.

Phương Nghi
Báo Văn hóa – baovanhoa.vn