Thừa Thiên Huế: Huyện Quảng Điền phát triển du lịch cộng đồng ven phá Tam Giang góp phần giảm nghèo

Huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) với lợi thế có đầm phá Tam Giang, đã mạnh dạn và chủ động tổ chức các hoạt động du lịch dịch vụ nhằm phát triển kinh tế địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.

Đầm phá Tam Giang đoạn qua huyện Quảng Điền có diện tích hơn 3.400 ha; trong đó, vùng đầm phá với diện tích mặt nước 2.292 ha, trải dài trên địa bàn 8 xã, với tiềm năng hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nơi sinh tồn của hàng ngàn loài sinh thủy có giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền thông tin, những năm qua, huyện đã tập trung xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương vùng ven phá, mở ra hướng đi mới nhằm tạo việc làm cho bà con góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.

Trong đó, tại xã Quảng Lợi, địa phương đã đầu tư cơ sở hạ tầng với việc xây dựng các hạng mục nhà chờ, đường giao thông tại bến Cồn Tộc; xây dựng công trình hạ tầng điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh gồm bãi đỗ xe, nhà chờ, sân vườn, trồng cây xanh… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang, xã Quảng Lợi đón tiếp khách du lịch tham quan.

Các chương trình tour được cộng đồng du khách ưa chuộng như: Trải nghiệm làng Ngư Mỹ Thạnh 2 ngày 1 đêm; Một ngày trải nghiệm cuộc sống ngư dân đầm phá Tam Giang; Ngắm bình minh trên phá Tam Giang hay Hoàng hôn trên phá Tam Giang (thời gian ½ ngày)…

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, huyện Quảng Điền đã đón 116.000 lượt khách; riêng xã Quảng Lợi đón gần 44.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ, hoạt động du lịch cộng đồng.

Hiện nay, thôn Ngư Mỹ Thạnh đang được triển khai mô hình thí điểm “Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” với tổng kinh phí đầu tư 17,5 tỉ đồng. Cuối năm 2023 vừa qua, huyện Quảng Điền cũng đã có quyết định xây dựng điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi cũng trở thành sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch nông nghiệp nông thôn 3 sao.

Thôn Ngư Mỹ Thạnh ven phá Tam Giang với phần lớn các hộ dân là những người từng lênh đênh trên đầm phá, sau đó thực hiện chủ trương của nhà nước và đã lên bờ định cư. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn do công việc không ổn định, thiếu tính bền vững.

Những năm qua, dựa vào tiềm năng và lợi thế của vùng đầm phá, các hoạt động du lịch dần được đẩy mạnh phát triển và tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân trong vùng. Các dịch vụ đã thu hút du khách như: trải nghiệm chèo thuyền SUP ngắm cảnh rừng ngập mặn; trải nghiệm thả chuôm, đổ nò đánh bắt hải sản cùng ngư dân địa phương; thưởng thức những món ăn tươi ngon; đi chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh để mua hải sản từ đầm phá… Nhờ đó, thu nhập của người dân địa phương cũng tăng lên, đời sống được cải thiện.

Theo ông Nguyễn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, cuối năm 2023 xã còn 44 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 1,57%. Tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, còn 4 hộ nghèo, chủ yếu là các hộ neo người, ngoài độ tuổi lao động.

Thời gian qua, việc phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, tăng thêm nguồn thu nhập. Cuối 2023, thu nhập bình quân tại xã Quảng Lợi gần 50 triệu đồng/người/năm và hiện đang phấn đấu đạt 55 triệu đồng/người/năm.

Được biết, huyện Quảng Điền cũng đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ của cấp trên để đầu tư, phát triển các cơ sở lưu trú trong dân tại các vùng du lịch cộng đồng. Trong đó, hỗ trợ 450 triệu đồng cho các hộ dân xã Quảng Lợi làm homestay với 15 phòng lưu trú.

Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ du lịch homestay đã góp phần tạo ra hướng mở về khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng. Đồng thời, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá địa phương.

Cùng với các giải pháp về phát triển du lịch cộng đồng, ông Nguyễn Anh TuấnAnh cho biết, huyện Quảng Điền đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình mực tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Tỉ lệ hộ nghèo tại huyện đã giảm từ 4,43% năm 2020 cuống còn 1,7% vào năm 2023 (giảm 2,73%), với 445 hộ nghèo, 754 hộ cận nghèo.

Bài, ảnh: Sơn Thùy

Báo Văn hóa – baovanhoa