Quảng Ninh: Phát triển chuỗi liên kết hợp tác xã

Xác định việc liên kết trong sản xuất, kinh doanh tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm có tính phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh việc đổi mới mô hình hoạt động, liên kết với các doanh nghiệp, hỗ trợ thành viên hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho nông dân cải thiện thu nhập, hướng tới sản xuất nông nghiệp ổn định.

Sản phẩm hương bài của HTX Thảo mộc Tuệ Lâm (thôn Nà Cắp, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) được liên kết tiêu thụ tại các kỳ hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại

Hiện trên địa bàn tỉnh có 921 HTX đang hoạt động. Trong đó, riêng lĩnh vực nông nghiệp có 690 HTX, chiếm 74,945%. Tổng số thành viên tham gia HTX khoảng 58.000 thành viên, thu hút khoảng 73.388 lao động thường xuyên, số lao động là thành viên HTX khoảng 44.377 lao động.

Để giúp các HTX tăng cường sản xuất, kinh doanh tạo mối liên kết theo chuỗi giá trị, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, vốn, đến xúc tiến thương mại, đào tạo… Số lượng HTX, tổ hợp tác trên địa bàn Quảng Ninh ngày càng tăng. Riêng trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã có 152 HTX được thành lập mới, đạt 304% so với chỉ tiêu được giao.

Điển hình, các chủ thể HTX tham gia chương trình OCOP đã phát huy được hoạt động hiệu quả trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Chương trình OCOP đã tạo những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tạo liên kết theo chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm. Trong tổng số 72/921 HTX tham gia Chương trình OCOP của tỉnh, đã có 70 HTX nông nghiệp với 153 sản phẩm, trong đó 18 sản phẩm đạt 4 sao, 56 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm, hàng hóa đã được xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng, được thị trường chấp nhận.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường thu hút, vận động các HTX, tổ hợp tác đầu tư, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 40 chuỗi liên kết với 26 HTX tham gia. Trong đó, một số HTX đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, tiêu biểu như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Dương (TX Đông Triều) liên kết với Công ty TNHH OISY đầu tư sản xuất và tiêu thụ củ khoai tây với diện tích 40ha; HTX Dịch vụ chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) liên kết với Công ty CP Than Mạo Khê cung cấp rau, gạo, trứng, thịt, cá an toàn cho bếp ăn của công ty…

Nhờ đẩy mạnh hỗ trợ kinh tế tập thể của tỉnh, các địa phương và sự tự lực của các HTX, tổ hợp tác, thời gian qua, số HTX, tổ hợp tác làm ăn hiệu quả được duy trì và tăng lên. Doanh thu bình quân của các HTX trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp đạt 850 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng. Toàn tỉnh còn có 215 tổ hợp tác, 2 liên hiệp HTX nông nghiệp, tổng hợp và 230 trang trại. Doanh thu bình quân của tổ hợp tác đạt 550 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/năm; giá trị nông sản hàng hóa bình quân một trang trại đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Nhiều sản phẩm của các HTX OCOP liên kết tiêu thụ tại các Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Yên

Việc hình thành các chuỗi liên kết đã giúp các HTX hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để các chuỗi liên kết ngày càng đa dạng, chặt chẽ và hiệu quả hơn, rất cần có cơ chế, chính sách cho khu vực này. Giá trị của các chuỗi liên kết là rõ ràng, song việc phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở các HTX vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, nhất là các chuỗi liên kết vẫn còn lỏng lẻo; hình thức vẫn thủ công, dễ bị phá vỡ hợp đồng…

Để thúc đẩy liên kết, hình thành chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả, thì các HTX cần tiếp tục được củng cố, hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý hoạt động của HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của mô hình HTX kiểu mới và nâng cao tư duy thị trường, năng lực quản trị, điều hành, duy trì quan hệ đối tác…

Ông Nguyễn Duy Phương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Để đẩy mạnh việc liên kết HTX, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của HTX thành viên; tăng cường hỗ trợ HTX hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX, giữa HTX với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác; tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; triển khai thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống HTX… gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để xây dựng, hoàn thiện các mô hình HTX điểm, tiêu biểu, hoạt động với quy mô lớn, liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập, đời sống cho thành viên và người nông dân.

Minh Đức

Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh – quangninh.gov.vn