Làng đá Khuổi Ky – điểm sáng du lịch cộng đồng tại Cao Bằng

Nằm trong quần thể Khu du lịch thác Bản Giốc, làng đá Khuổi Ky với những căn nhà sàn bằng đá độc đáo là điểm đến thu hút du khách khi tới xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Từ năm 2008, làng Khuổi Ky đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người”.

Làng đá Khuổi Ky hơn 400 năm tuổi trải rộng khoảng 1 hecta, là nơi sinh sống của hơn 100 hộ dân với 100% là người dân tộc Tày. Làng Khuổi Ky khác biệt bởi những ngôi nhà sàn làm bằng đá, lợp ngói âm dương tựa lưng vào núi, hướng mặt về dòng suối Khuổi Ky trong xanh, réo rắt đêm ngày.

Người xưa kể lại, nhà sàn với người Tày nơi đây không chỉ là nơi ăn chốn ở, mà còn là nơi cất giữ rất nhiều giá trị văn hoá, tinh thần của biết bao thế hệ. Đồng bào dân tộc Tày ở Trùng Khánh còn có truyền thống tín ngưỡng thờ đá; đá gắn bó trong mọi mặt đời sống hàng ngày, được dùng để xây nhà, đập nước, cối xay… Ngược dòng lịch sử, những ngôi nhà sàn đá đã được xây dựng từ khoảng năm 1594-1677, từ khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng để xây dựng thành quách để phòng thủ. Cho đến nay, những ngôi nhà sàn cổ vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, ẩn chứa bao tri thức bản địa độc đáo.

Làng đá Khuổi Ky cách không xa khu du lịch thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.

Thời gian qua, không chỉ nỗ lực gìn giữ văn hoá truyền thống địa phương, người dân nơi đây cùng sự hỗ trợ của chính quyền đã mở rộng phát triển du lịch cộng đồng, đem đến hơi thở mới cho làng đá Khuổi Ky.

Niềm nở giới thiệu về cơ ngơi Tày’s Homestay với đặc trưng nhà sàn đá được xây dựng bởi rất nhiều tâm huyết, chị Nguyễn Kim Phương chia sẻ: “Homestay này tôi bắt đầu xây dựng từ năm 2019 và hoàn thiện đón khách vào năm 2022. Khi đi thăm quan mô hình làm du lịch cộng đồng ở các tỉnh, tôi cảm thấy quê hương mình rất đẹp, có nhiều tiềm năng, đặc biệt là ngôi làng Khuổi Ky có những nếp nhà sàn bằng đá, bằng mái ngói âm dương mà các tỉnh, các nơi khác không có được. Ngoài ra, lợi thế của làng là nằm trong trung tâm quần thể thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao, rất gần trong phạm vi 3km”.

Các mô hình du lịch cộng đồng đang hình thành tại làng đá Khuổi Ky

Chị Nguyễn Kim Phương cho biết, chị đã kết hợp các yếu tố hiện đại và truyền thống; cố gắng giữ nguyên kiến trúc của nhà sàn đá cổ của người Tày với tường đá, mái ngói âm dương, cột gỗ nghiến, lan can gỗ, cầu thang đá… nhưng có đầu tư nâng cấp để có thể tạo sự thoải mái và tiện nghi cho khách. Ngoài ra, Tày’s homestay còn có các hoạt động trải nghiệm văn hóa như hát then, đàn tính và nhảy sạp.

Đặc biệt, du khách nước ngoài đến Khuổi Ky rất ấn tượng khi được tham gia trải nghiệm các công việc hàng ngày của người dân địa phương như đi cấy, lấy củi, gặt lúa, bắt cá suối, hoặc trekking, leo núi… Bà con nơi đây vốn chỉ làm nông nghiệp, giờ đây kết hợp cả làm du lịch cộng đồng, cũng có nhiều bỡ ngỡ nhưng đã nhận được sự hỗ trợ của địa phương và chính các chị em trong làng.

Chị Nguyễn Kim Phương chia sẻ: “Hàng ngày, chị em trong bản đến mùa làm ruộng thì vẫn làm ruộng, làm việc nhà; còn khi có khách đến thì mọi người sẽ đón khách. Lâu nay cũng có các khoá đào tạo, một số chị em biết cơ bản về giao tiếp tiếng Anh, cũng đủ để giao tiếp với khách nước ngoài. Hiện tại chính quyền cũng tạo điều kiện cho các homestay trong làng để làm dịch vụ; ngoài ra cũng có các chính sách cho phụ nữ vay vốn với lãi suất thấp để làm du lịch”.

Thu nhập trung bình của người lao động khi làm việc tại cơ sở Tày’s Homestay khoảng 6 triệu/tháng. Những đợt đông khách, chị Phương lại gọi thêm chị em trong làng hỗ trợ với mức 350.000 đồng/ngày hoặc làm theo các show trình diễn đàn tính dao động từ 100.000 đồng – 500.000 đồng/người.

Vốn chỉ làm ruộng, nuôi trâu bò, nhưng gia đình chị Mạc Thị Khon – chủ homestay Quang Thuận ở làng đá Khuổi Ky cũng đã có những đổi thay trong đời sống kinh tế, kể từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng. Không có quá nhiều tiền để đầu tư, nhưng nhà chị Khon đã tận dụng căn nhà sàn đá cũ, cải tạo bên trong, thay những tấm gỗ mục, cũng đã tạo nên một homestay nhỏ xinh thu hút du khách: “Từ lúc làm dịch vụ homestay thì chi tiêu dễ dàng hơn, có thu nhập, đỡ việc làm nông hơn. Ngày xưa đi làm thuê, trồng ngô, trồng lúa nhiều. Lúc đầu có định hướng của chính quyền, trước khi làm thì đi học tiếng Anh, học hát then đàn tính để phục vụ khách”.

Còn chị Hoàng Thị Khánh – quản lý Lan Rừng homestay tại làng Khuổi Ky chia sẻ những kỳ vọng: “Cao Bằng có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, rất may mắn các hộ homestay gần các điểm du lịch, Nhà nước tạo nhiều điều kiện hỗ trợ làm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, tôi rất mong Nhà nước có thể tạo điều kiện nhiều hơn nữa, hướng dẫn cách làm, hỗ trợ chính sách, định hướng cách quảng bá homestay để thu hút nhiều hơn du khách trong nước, quốc tế”.

Ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất, dịch vụ, làng đá Khuổi Ky đang dần trở thành điểm dừng chân hấp dẫn khi du khách ghé thăm Cao Bằng. Trong chuyến du lịch xuyên Việt nhiều tuần, lần đầu đến làng đá Khuổi Ky, anh Redouane Mahi – du khách Pháp cho biết rất ấn tượng với những trải nghiệm nơi đây: “Điểm đến chính của tôi ở Cao Bằng là thác Bản Giốc, và khi đến đây tôi đã được giới thiệu làng đá Khuổi Ky trong quần thể khu du lịch này. Tôi đã nghỉ lại trong nhà người dân tộc Tày và được trải nghiệm một đêm rất tuyệt vời, từ cách phục vụ du lịch, ẩm thực… Con người ở đây thì rất thân thiện, mến khách. Cách làm du lịch ở đây khá tốt. Mọi người đã biết cách tiếp cận để cung cấp thông tin cho du khách, ăn uống ngon, có bản đồ du lịch để khách đi tham quan”.

Để phát huy hơn nữa thế mạnh về cảnh quan, giá trị văn hoá lịch sử truyền thống, phong tục tập quán địa phương, ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho rằng mô hình làng du lịch cộng đồng tại làng đá Khuổi Ky rất cần được khai thác và mở rộng phát triển đúng hướng.

“Nếu phát triển du lịch không gắn với các giá trị văn hoá bản địa hay kiến trúc vùng miền và thiên nhiên ưu đãi thì chắc chắn sẽ không mang tính bền vững. Xác định được điều đó, chúng tôi đã mở các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phát huy, bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể trên địa bàn để làm sao phát triển du lịch một cách bền vững. Có những sản phẩm hát Lượn, hát Hà Lều hay trang phục truyền thống; kiến trúc, vật liệu xây dựng của bà con Tày Nùng đều sử dụng đá để phục vụ lao động sản xuất, xây dựng, tạo ra sự khác biệt của văn hóa người dân tộc Tày Nùng tại Trùng Khánh nói riêng, tỉnh Cao Bằng nói chung”, ông Lương Văn La nói.

Tuy vậy theo ông Lương Văn La, việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Khuổi Ky cũng đặt ra một số vấn đề cần tháo gỡ, như việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ vẫn còn vướng mắc, công tác quảng bá chưa nhiều, cơ sở vật chất còn manh mún, chủ yếu do người dân tự đầu tư xây dựng, tạo sản phẩm du lịch… Từ thực tế này, thời gian tới, mô hình du lịch cộng đồng Khuổi Ky cần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, cải thiện hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông, công tác vệ sinh môi trường, vận động người dân thay đổi nhận thức, di dời gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, nơi ở…

Nhìn lại năm 2023, toàn huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đón gần 1 triệu lượt khách, trong đó chỉ riêng làng đá Khuổi Ky đón khoảng 5.000 lượt, với hơn 20% là khách quốc tế. Ông Lương Văn La kỳ vọng, với những định hướng đúng như kết hợp du lịch với gìn giữ các giá trị bản địa, du lịch Khuổi Ky nói riêng, Trùng Khánh (Cao Bằng) nói chung sẽ ngày càng khởi sắc, giúp cho “Làng đá nở hoa” – như cái tên thân thương mà người dân vẫn gọi.

Phương Hoa/VOV1
vov.vn