Việc phát triển mô hình DLCĐ trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm, sinh kế cho một bộ phận người dân, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Phát triển DLCĐ góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho địa phương, giúp chuyển đổi hình thức làm kinh tế, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho cộng đồng tham gia vào các chuỗi du lịch. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con gắn với phát triển du lịch.
Theo ông Nguyễn Sơn Hưng, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk), việc phát triển loại hình DLCĐ tuy đã được chính quyền địa phương các cấp quan tâm, nhưng vẫn còn mang tính tự phát, thiếu sự gắn kết các hoạt động sản xuất; cơ sở vật chất du lịch, các hoạt động, dịch vụ ăn, nghỉ phục vụ khách đang còn yếu, chưa chuyên nghiệp; những vấn đề về trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro. Bên cạnh đó, vấn đề đầu tư cho giữ gìn, bảo tồn văn hóa chưa đồng bộ như: xây dựng đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới không phù hợp với phát triển DLCĐ; đầu tư xây dựng nhà văn hóa nhưng việc phát huy hiệu quả sử dụng trong phát triển du lịch chưa cao.
Chính vì vậy, các buôn DLCĐ trên địa bàn tỉnh cần điều chỉnh và đầu tư thêm về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, thể hiện được nét đặc sắc riêng biệt của cộng đồng dân tộc, tạo ra điểm nhấn khác biệt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 3 buôn chính thức được công nhận là buôn DLCĐ, bao gồm: buôn Ako Dhong (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) và buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn).
Buôn Kuốp hiện còn lưu giữ khoảng 50 nhà dài truyền thống cùng nhiều giá trị văn hóa của người Êđê và M’nông như: diễn tấu cồng chiêng, hát Ay ray, múa xoang; các nghề thủ công như đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, chế tác nhạc cụ… Giao thông thuận lợi, cách TP. Buôn Ma Thuột chỉ 21 km, nằm trên cung đường từ thác Dray Nur đi thác Dray Sáp thượng cũng là một trong những lợi thế giúp buôn Kuốp phát triển DLCĐ.
Bà H Nó Hđơk, Trưởng buôn Kuốp cho hay, buôn đã thành lập Ban quản lý DLCĐ và định hướng các hộ gia đình xây dựng sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hoá dân tộc. Cùng với đó, buôn Kuốp còn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt mô hình thí điểm “Phát triển sản phẩm OCOP về DLCĐ gắn với phát huy giá trị văn hóa và nghề truyền thống” thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025. Điều này giúp gợi mở thêm hướng đi để DLCĐ ở đây có thể nhanh chóng bắt nhịp với các buôn DLCĐ khác.
Được biết, các buôn DLCĐ đang hoạt động thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu lễ hội văn hóa truyền thống, ẩm thực; cung ứng các dịch vụ du lịch; các cấp, ngành chức năng tích cực phổ biến thông tin giới thiệu, xây dựng các tour, tuyến về DLCĐ… Nhờ đó, loại hình du lịch này bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của khách du lịch.
Thực hiện Nghị quyết 08 ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết 08), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với UBND thành phố Buôn Ma Thuột, UBND thị xã Buôn Hồ và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại buôn Tour (xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột) và buôn Kali A (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ).
Tại các buôn, đoàn đã tiến hành khảo sát các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số về hiện trạng nhà sàn, đồ dùng, vật dụng truyền thống, vật dụng trang trí, khu vực làm gốm, trưng bày sản phẩm gốm, khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh và một số công trình phụ phục vụ khách du lịch…
Được biết, theo Nghị quyết 08, các thôn, buôn được lựa chọn hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng sẽ được hỗ trợ lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại trục đường chính vào thôn, buôn; kinh phí mua sắm máy vi tính, bàn ghế máy vi tính và xây dựng trang thông tin điện tử du lịch cộng đồng buôn; xây dựng bãi đỗ xe chung có diện tích tối thiểu 200m2.
Mỗi thôn, buôn đầu tư xây dựng một nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; xây dựng, lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn du lịch, bảng thông tin, nội dung thuyết minh điểm đến để khách du lịch thuận tiện trong việc đi lại, tìm hiểu thông tin điểm đến; cải tạo cảnh quan môi trường (trồng cây xanh, hoa, ghế đá, tạo điểm dừng nghỉ cho khách du lịch); đầu tư hệ thống thu gom, xử lý rác thải tại buôn; xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm (mô hình nghề truyền thống, không gian lao động sản xuất,…); tham gia các hội chợ và các sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch trong nước; di chuyển chuồng trại chăn nuôi đảm bảo hợp vệ sinh; cải tạo nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch cho cá nhân, hộ gia đình trong buôn du lịch cộng đồng…
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngành kiến nghị tỉnh bổ sung thêm nội dung, hỗ trợ một phần trang thiết bị bên trong các ngôi nhà, homestay theo định hướng là bảo tồn văn hóa của buôn thông qua các hoạt động du lịch. Đồng thời cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đặc biệt là lực lượng người dân tộc thiểu số tại các điểm du lịch là rất cần thiết; trong đó vai trò của Ban quản lý DLCĐ cần được phát huy tối đa để có thể tận dụng hết nội lực của địa phương, vừa liên kết với đơn vị lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để duy trì và từng bước mở rộng các tour du lịch./..
BC (t/h)
Báo điện tử ĐCSVN – dangcongsan.vn