Điểm du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Ái Vân
Với các điểm nhấn là loại hình du lịch homestay phục vụ du khách tham quan trải nghiệm và dần dần trở thành du lịch trải nghiệm đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, hiện nay, Lai Châu đang có 5 địa bàn tiêu biểu thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm, đó là bản Sin Suối Hồ, cao nguyên Dào San của huyện Phong Thổ, bản Thẳm, Sì Thâu Chải, huyện Tam Đường và bản San Thàng, thành phố Lai Châu.
Sì Thâu Chải nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, cách thị trấn Tam Đường 6km, bốn bề được bao bọc bởi núi non hùng vĩ. Ngôi làng này có hơn 60 hộ dân sinh sống, 100% đều là người dân tộc Dao. Những người dân sinh sống ở đây vẫn luôn gìn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Đến với Sì Thâu Chải, du khách không chỉ tận hưởng không gian yên tĩnh, ngắm núi non hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những ngôi nhà trình tường. Vẻ đẹp mộc mạc của ngôi nhà trình tường không chỉ làm bằng đất với 3 gian rộng, người dân còn xếp những viên đá chồng lên nhau làm hàng rào, ngay hàng thẳng lối, tạo nên vẻ đẹp riêng có của vùng Tây Bắc.
Nhà trình tường có chiều cao trung bình 4 – 5m, diện tích 60 – 80m2 với lớp tường dày 40 – 60cm. Khi đất tường nhà khô sẽ chuyển sang màu vàng tươi rồi sẫm lại dần theo thời gian, nhìn màu của bức tường có thể đoán được tuổi thọ của ngôi nhà. Đặc biệt, các xã nằm gần biên giới Việt – Trung của huyện Phong Thổ như Sì Lở Lầu, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Dào San… còn lưu giữ rất nhiều nhà trình tường rất đẹp của đồng bào dân tộc Mông, Hà Nhì, Dao, bởi nơi đây có nhiều loại đất sét đỏ phù hợp cho việc xây nhà.
Để thuận tiện cho người dân trong bản làm dịch vụ homestay từ những ngôi nhà cổ, năm 2022, UBND xã Hồ Thầu đã cấp kinh phí sửa chữa nhà theo Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp gắn với du lịch của các dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Ngoài sửa chữa nhà truyền thống, tháng 4/2023, huyện Tam Đường cũng mở lớp truyền dạy nghề làm mũ lông đuôi ngựa của dân tộc Dao cho 20 học viên với sự truyền dạy trực tiếp của 2 nghệ nhân, với mục tiêu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển du lịch cộng đồng.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lai Châu có 5/6 mục tiêu cụ thể được triển khai và bước đầu đạt được kết quả tích cực. Các di sản văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn, với 13 dân tộc cư trú thành cộng đồng. Bên cạnh đó, địa phương đã xây dựng 2 hồ sơ khoa học văn hóa phi vật thể quốc gia, 30/39 bộ hiện vật sưu tập của 10/13 đân tộc cư trú thành cộng đồng.
Cũng từ nghị quyết của Tỉnh ủy, địa phương đã phát triển được 16 điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh, hơn 30 lễ hội và ngành nghề thủ công truyền thống. Nhiều địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo, lan tỏa những tinh thần tốt đẹp của các dân tộc trong cộng đồng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến với địa phương mỗi năm. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 36,9%/năm, tổng doanh thu năm 2023 đạt gần 800 tỷ đồng.
Để người dân có ý thức hơn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tỉnh Lai Châu đang nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ cho các hộ dân đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, quảng bá đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tích cực phối hợp với các tổ chức cá nhân, các công ty lữ hành xây dựng các khu, tuyến du lịch liên tỉnh nhằm tạo sinh kế cho người dân và bảo tồn văn hóa các dân tộc, thúc đẩy văn hóa địa phương phát triển.
Làng du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ được biết đến là điểm du lịch nổi tiếng của Lai Châu. Tại các điểm du lịch cộng đồng, người dân địa phương duy trì đội văn nghệ và các hoạt động văn hóa dân gian, tổ chức nhiều trò chơi truyền thống. Nhiều nghề thủ công truyền thống như rèn, dệt thêu, mây tre đan, chạm khắc bạc được các nghệ nhân dân tộc làm trực tiếp tại chợ và những điểm du lịch. Đến đây, không thể thiếu các món ngon vật lạ đặc trưng của Lai Châu như lợn đen cắp nách, thịt treo gác bếp, thịt trâu sấy, cá bống vùi gio, mật ong rừng, bánh chưng đen, miến dong Bình Lư, rượu ngô Sùng Phài, tất cả đều là nguyên liệu sạch được bà con vùng cao tự tay chế biến.
Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: “Để tạo thành chuỗi sản phẩm, tua du lịch liên hoàn, chúng tôi đang phối hợp với Tổng cục Du lịch tập huấn cho các hướng dẫn viên du lịch ở địa bàn này và hướng dẫn, vận động nhân dân phát huy những giá trị tốt đẹp của các nét đặc sắc riêng từng dân tộc, như kiến trúc nhà ở, văn hóa, trang phục, lễ hội để tạo thành một tua du lịch khép kín. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, coi đó là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, phát triển du lịch và thông qua du lịch thì mới lan tỏa được những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc đến với bạn bè trong nước và quốc tế”.
Thành phố Lai Châu có 17 anh em dân tộc cùng sinh sống. Đây là một đô thị có đông đồng bào dân tộc sinh sống nhất cả nước, chính là lợi thế để địa phương xây dựng dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, ngoài đề án quy hoạch phát triển các bản văn hóa gắn với du lịch cộng đồng, dựa trên tiềm năng vốn có của từng xã, phường, thành phố đã lồng ghép hiệu quả nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch.
Mặc dù đang tìm cách phát triển các loại hình du lịch mới, nhưng Lai Châu vẫn sẽ ưu tiên cho phát triển du lịch cộng đồng. Trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đặt mục tiêu, đạt 5 sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó, ít nhất phải có một sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao. Tỉnh Lai Châu cũng sẽ phấn đấu xây dựng một bản cộng đồng tiêu biểu quốc gia tiến tới được công nhận điểm du lịch cộng đồng ASIAN.
Ái Vân
Báo Biên Phòng – bienphong.com.vn