Tính đến cuối năm 2023, huyện Yên Mô có 14 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao
Trong đó, Huyện đã mở các lớp tập huấn bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về Chương trình OCOP cho cán bộ quản lý, chủ thể có sản phẩm tiềm năng, vận động, khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Quan tâm phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng vùng miền, thế mạnh của địa phương, quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hỗ trợ xây dựng nhãn mác, bao bì; hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 14 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao.
5 năm trở lại đây, một số hộ ở xã Yên Thắng đã tập trung phát triển cây sắn dây theo hướng hàng hóa với tổng diện tích gần 15ha. Đặc biệt năm nay, huyện Yên Mô lựa chọn tinh bột sắn để xây dựng thành sản phẩm OCOP, chính vì thế người dân nơi đây rất phấn khởi và càng nâng cao trách nhiệm trong trồng, chăm sóc, chế biến nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đem lại nguồn thu ổn định cho bà con.
Để đạt được mục tiêu có thêm ít nhất 5 sản phẩm OCOP trong năm 2024, cùng với cơ chế của tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ riêng cho từng hạng sao. Theo đó, đối với sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao hỗ trợ 85 triệu đồng và 3 sao là 75 triệu đồng. Bên cạnh đó, các chủ thể cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm.
Không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển, chương trình OCOP còn nâng cao trách nhiệm, năng lực sản xuất của các chủ thể, từng bước hình thành nền kinh tế xanh, bền vững, thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần để huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm nay.
Phương Loan
Đài PTTH tỉnh Ninh Bình – nbtv.vn