Những thôn nữ ở bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) cùng chau chuốt không gian homestay để sẵn sàng đón chào du khách
Má đỏ, môi hồng, yếm thắm, hơn chục diễn viên trong đội văn nghệ xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc tới homestay Hải Thạn biểu diễn phục vụ du khách, em Hà Thị Tiêu, một trong những sơn nữ hát hay, múa dẻo ở núi rừng Mường Chậm chia sẻ: Mùa Xuân nơi này đẹp lắm! Nhất là từ khi xóm Chiến quê em có homestay và được đón du khách gần xa đến trải nghiệm DLCĐ.
Thật vậy, xóm Chiến là bản Mường nhỏ, cảnh sắc hoang sơ với hơn 70 hộ dân sinh sống. Nơi đây cao hơn mực nước biển trên 1.000m, rừng bao phủ tạo nên hệ sinh thái thiên nhiên khác biệt với khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Sáng sớm mùa Đông, Xuân, sương mù giăng kín, chiều về khói lam chiều lãng đãng khắp không gian. Bởi thế, các văn nghệ sỹ đến đây tác nghiệp đã đặt cho Vân Sơn cái tên mỹ miều: chốn thung mây!
Trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho người dân, năm 2019, UBND huyện Tân Lạc giao cơ quan chuyên môn khảo sát, kết nối để tổ chức AOP (tổ chức phi Chính phủ của Australia) hỗ trợ triển khai dự án cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển DLCĐ tại xóm Chiến. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, bản DLCĐ xóm Chiến vẫn còn ở hình thái sơ khai, với vỏn vẹn 3 hộ đủ điều kiện kinh doanh du lịch, nhiều dịch vụ còn thiếu, không gian cảnh quan còn cần được bổ sung, nhưng địa danh xóm Chiến đã được định vị, có tên trên bản đồ du lịch của Hòa Bình. Du khách đến với xóm Chiến ngày một đông hơn, có tháng 5 – 7 đoàn cả khách trong và ngoài nước. Khách du lịch đến khiến bản làng vui hơn, cuộc sống của người dân cũng ấm no hơn.
Theo chia sẻ của đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, người có nhiều năm dốc sức cho du lịch Hòa Bình cất cánh, những năm gần đây, DLCĐ ở tỉnh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Với 22 xóm, bản DLCĐ, 180 homestay, du lịch và dịch vụ đã, đang mang lại cho người dân Mường, Thái, Mông, Dao trên địa bàn tỉnh có một cuộc sống mới. Nhiều hộ đã thoát nghèo, thậm chí có được cuộc sống khấm khá nhờ phát triển DLCĐ.
Như xã Mai Hịch, huyện Mai Châu – địa danh nổi tiếng với câu thơ của nhà thơ Quang Dũng “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người” những năm gần đây có sự đổi thay vượt bậc. Xã có 7 xóm, 923 hộ, trên 4.250 nhân khẩu, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số. Được thiên nhiên ưu đãi với thắng cảnh tươi đẹp, những con suối róc rách chảy quanh ôm ấp cánh đồng trù phú, bao bọc những nếp nhà sàn truyền thống, xã đã phát triển được 11 hộ kinh doanh dịch vụ DLCĐ ở các xóm: Hịch 1, Hịch 2, Cha Lang. Mỗi homestay có sức chứa từ 25 – 30 khách. Dẫu chưa thực sự nổi tiếng như bản Lác – xã Chiềng Châu; bản Văn, bản Pom Coọng – thị trấn Mai Châu… trong cùng huyện, nhưng cũng đã, đang thu hút được lượng lớn du khách trong nước và quốc tế, đem lại thu nhập khá cho người dân.
Xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc nằm dưới chân núi Biều đã trở thành điểm du lịch hút khách. Mô hình du lịch cộng đồng ở xóm Sưng đi vào hoạt động từ đầu năm 2017, với sản phẩm du lịch đặc trưng là cảnh vật hoang sơ cùng phong tục truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao Tiền. Đến đây du khách được chính người dân địa phương hướng dẫn nhuộm chàm, trải nghiệm in sáp ong trên vải, dệt thổ cẩm, làm giấy dó truyền thống hay tắm lá thảo dược theo bài thuốc dân gian của đồng bào người Dao… Những nét văn hóa đặc trưng đó đã tạo sức hút lớn đối với du khách cả trong và ngoài nước. Du khách đến đây không chỉ mang theo niềm vui đó là sự giao lưu cởi mở, là tiếng trống, tiếng chiêng, lời ca, điệu hát vang vọng núi rừng, mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Cùng với người dân bản địa, du khách đã góp phần mang mùa Xuân về bản.
Thúy Hằng (CTV)
Báo Hòa Bình – baohoabinh.com.vn