Đắk R’lấp có diện tích tự nhiên 63.567ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 56.067ha. Với đa dạng về cây trồng như cà phê, hồ tiêu, cao su, sầu riêng, bơ, nhãn… thích hợp cho huyện xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, nhất là du lịch trải nghiệm nông nghiệp.
Theo bà Võ Thị Kiều Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, hiện nay, đối với du khách, đặc biệt là du khách ngoại tỉnh, những hình ảnh về cảnh sinh hoạt, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn là những trải nghiệm hấp dẫn. Qua đó, giúp cho du khách cảm thấy gần gũi, hiểu rõ hơn về hoạt động đời sống sản xuất, sinh hoạt của người nông dân Đắk R’lấp.
Nắm bắt được nhu cầu cũng như xu hướng du lịch của du khách, hiện nay trên địa bàn huyện có một số mô hình du lịch sinh thái cộng đồng như: Khu du lịch sinh thái Phước Sơn; thác 5 tầng; vườn hồng Nga Học; vườn hoa cải thôn 7, xã Đắk Wer; vườn nho thị trấn Kiến Đức; bon Pi Nao, xã Nhân Đạo…
Trong đó, bon Pi Nao đang được huyện xây dựng mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Người dân bon Pi Nao đã đăng ký tham gia làm du lịch trong 2 lĩnh vực: dịch vụ lưu trú (homstay) kết hợp ẩm thực và diễn văn nghệ truyền thống kết hợp với tham quan dã ngoại.
Bên cạnh những thuận lợi, Đắk R’lấp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn. Bởi các điểm du lịch còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết, nhất là du lịch trải nghiệm nông nghiệp.
Còn tại mô hình thí điểm du lịch cộng đồng bon Pi Nao, hiện điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông còn rất hạn chế, đời sống kinh tế bà con còn khó khăn. Các sản phẩm thủ công truyền thống như thổ cẩm, rượu cần… làm ra chủ yếu là phục vụ nhu cầu gia đình, chưa có đầu ra ổn định.
Cũng theo bà Võ Thị Kiều Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch hiệu quả, bền vững, địa phương sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá đầy đủ về loại hình du lịch này trên địa bàn. Từ đó, huyện xây dựng quy hoạch, đề ra chính sách hỗ trợ phát triển du lịch hợp lý.
Địa phương tìm hướng khắc phục trình trạng phát triển du lịch tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp. Việc cần làm đối với du lịch nông nghiệp huyện Đắk R’lấp hiện nay là tổ chức những mô hình nhỏ lẻ thành một chuỗi sản phẩm dịch vụ để cung ứng khách du lịch bằng hình thức phù hợp.
Đây là tiền đề để thực hiện mối liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan như nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, ngành nông nghiệp, thương mại… Trên cơ sở đó, các đơn vị có điều kiện tổ chức đào tạo, tập huấn cho người dân, xây dựng các tuyến, tour du lịch gắn với nông nghiệp.
Văn Tâm
Báo Đắk Nông – baodaknong.vn