Vĩnh Long: Làm du lịch để quảng bá nét đẹp quê hương

Sau thời gian trải nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch tại TP Hồ Chí Minh, cô gái sinh năm 1996- Nguyễn Ngọc Phương Oanh đã quyết định trở về Vĩnh Long mở homestay và thiết kế những chuyến đi, trực tiếp cùng du khách trải nghiệm.

Phương Oanh (giữa) cho rằng “thổi hồn” vào sản phẩm du lịch để tạo sự hấp dẫn, ấn tượng riêng cho du lịch địa phương

Luôn nở nụ cười tươi, nhiệt huyết và đầy đam mê với những chuyến đi, Phương Oanh mong muốn xây dựng mô hình du lịch để quảng bá văn hóa trên chính mảnh đất quê hương.

Trở về quê hiện thực hóa đam mê

Phương Oanh theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP Hồ Chí Minh).

Những ngày không có giờ lên giảng đường, cô gái trẻ tìm việc làm hướng dẫn viên để vừa có thêm thu nhập, vừa được trải nghiệm thực tế. Tốt nghiệp ĐH năm 2019, Phương Oanh quyết định về quê, tận dụng sửa sang vài căn phòng ở chính nhà cha mẹ, cùng góp sức với gia đình mở Mekong Pottery Homestay tại xã Thanh Đức (huyện Long Hồ).

Phương Oanh chia sẻ: Lúc bắt đầu hoạt động được 2 tháng thì dịch bệnh xảy ra, nhưng vẫn kiên trì theo con đường đã chọn.

“Tôi luôn ấp ủ ước mơ được trở về nhà và thực hiện niềm đam mê của mình trên chính quê hương. Từ kiến thức ở giảng đường, có vốn tiếng Anh, cả nhà lại có tính rất cởi mở, thích tiếp khách, cùng những mối quan hệ đã được xây dựng từ TP Hồ Chí Minh để giới thiệu nguồn khách đến homestay, thế là Mekong Pottery Homestay ra đời”- Phương Oanh kể.

Nhà nằm ngay lối vào làng gạch gốm Mang Thít nên homestay được Phương Oanh trang trí nổi bật với những sản phẩm gốm đỏ. Phương Oanh nói: “Đó là những cố gắng nho nhỏ tích góp qua năm tháng của gia đình với mong muốn được quảng bá rộng rãi hơn truyền thống của quê hương.

Phương Oanh mong muốn du khách đến đây sẽ trải nghiệm được cảm giác yên bình, an toàn, và ấm cúng như khi được bên gia đình, thưởng ngoạn cảnh quê trên những phương tiện giao thông bản địa và ăn những món ăn đồng quê dân dã do chính cha mẹ Phương Oanh nấu.

Theo Phương Oanh, tỉnh Vĩnh Long có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Từ vị trí không quá xa TP Hồ Chí Minh và thuận tiện di chuyển đến các tỉnh lân cận, Vĩnh Long lại có nông nghiệp đa dạng, có văn hóa làng nghề, vừa có những nét chung điển hình của ĐBSCL, lại có những nét riêng đặc sắc.

Qua hơn 4 năm hoạt động, Phương Oanh cho hay Homestay cũng đã có lượt khách ổn định với khoảng 40 khách/tháng và dịp lễ, Tết du khách đến cũng nhiều hơn để trải nghiêm văn hóa Tết tại Việt Nam.

“Thổi hồn” cho sản phẩm du lịch

Chia sẻ lý do chọn khởi nghiệp làm du lịch tại quê nhà, Phương Oanh bày tỏ: muốn tôn vinh nét đẹp miền Tây với chuyến hành trình dọc xã cù lao An Bình, cùng đắm mình trong khung cảnh yên ả miền nhiệt đới trên chiếc xuồng ba lá, uống nước dừa tươi, thăm chợ quê, và học cách phân biệt công dụng của từng loại thực vật.

Tại những buổi trải nghiệm làm gốm, du khách có cơ hội đắm mình trong không gian cổ xưa và mộc mạc bên những lò nung xưa cũ hàng trăm năm tuổi nép mình dọc bờ Cổ Chiên. Bắt đầu chọn khuôn yêu thích, từ những loài động vật đáng yêu đến những chiếc bình gốm nghệ thuật, thử sức tạo hình bằng tay, đắp đất đến hoàn thiện và đánh bóng.

Theo nhiều khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch có vai trò quan trọng, cũng giống như “sứ giả” thay mặt địa phương cung cấp những thông tin về địa lý, lịch sử, văn hóa, ẩm thực, con người… và thay mặt địa phương tiếp đoàn khách du lịch.

Do đó, theo Phương Oanh, khi trò chuyện với khách, chia sẻ thông tin với khách, ngoài kiến thức sâu rộng về nơi đến, các hoạt động trong chuyến đi thì người hướng dẫn viên phải trong tâm thế luôn sẵn sàng hỗ trợ để khách hiểu được về Vĩnh Long, luôn phải nắm những thông tin mới nhất của tỉnh để khách cập nhật.

Những ngày gần Tết, làng bánh tráng quê lại càng nhộn nhịp hơn. Du khách sẽ được Phương Oanh giới thiệu từ khâu vo gạo, tráng bánh, phơi bánh và được phụ bà con tráng ra từng mẻ bánh nóng hổi…

Ngoài ra, du khách còn được thử thách vớt ốc tự nhiên trong vườn, cùng thưởng thức những món ăn miền Tây Nam Bộ dân dã như cháo gà gỏi chuối cây do chính tay du khách thu hoạch, canh chua cá sông, hay bông chuối chiên giòn lạ miệng…

Do hầu hết du khách từ các nước châu Âu, nên Phương Oanh cho biết: Phải “thổi hồn” vào sản phẩm du lịch để tạo sự hấp dẫn, ấn tượng riêng cho du lịch địa phương. Muốn làm được điều đó, hướng dẫn viên phải có tâm với nghề và không ngừng rèn luyện, nâng cao các kỹ năng, kiến thức cho mình.

Địa phương cũng hỗ trợ rất nhiều cho những bạn trẻ khởi nghiệp, Sở Văn hóa-TT-DL luôn tạo điều kiện để Phương Oanh tham gia các lớp đào tạo phục vụ du lịch, tham gia sự kiện kết nối du lịch.

Ở Mekong Pottery Homestay, anh Sebastian- du khách Đức, chia sẻ: “Tôi rất yêu thích các hoạt động trải nghiệm và tham quan tại lò gốm, cảm thấy vùng đất Vĩnh Long có nét đẹp yên bình và gần gũi”.

Và ngay sau khi đáp chuyến bay từ Đức về Việt Nam, anh Sebastian đã gửi tặng gia đình Phương Oanh những bức ảnh về quê hương Vĩnh Long và nét đẹp lao động của người làm gạch gốm bên dòng sông Cổ Chiên.

Sau tất cả, với tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, cô gái nhỏ Phương Oanh luôn mong góp sức nhỏ bé của mình để quảng bá hình ảnh một Vĩnh Long tươi đẹp, luôn thu hút với những nét riêng.

Với kim chỉ nam làm du lịch cộng đồng gắn liền với văn hóa bản địa, Mekong Pottery Homestay luôn hướng đến việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động trải nghiệm được thiết kế bài bản và thú vị. Và niềm hạnh phúc lớn nhất của Phương Oanh là tiếp tục đón những vị khách từ phương xa, vượt hàng ngàn kilomet mà trở lại Vĩnh Long lần thứ 2, lần thứ 3…

Bài, ảnh: Phương Thảo

Báo Vĩnh Long – baovinhlong.com.vn